Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng tạo ra nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng. Tuy nhiên, mỗi bản làng đều gặp những vấn đề rất khác nhau với BĐKH, đặt ra yêu cầu cấp bách, đặc thù cho phải cân nhắc vấn đề ứng phó BĐKH trong sản xuất nông nghiệp khi lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Ngày 29/6 vừa qua, tại bản Nà Cà (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã phối hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức Hội thảo lồng ghép nông nghiệp ứng phó với BĐKH trong kế hoạch cấp xã.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND xã Bình Lư và các nông dân tiên phong tham gia Nhóm nông dân ứng phó BĐKH tại bản Nà Cà (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Tại Hội thảo, các đại biểu đã tiến hành đánh giá hiện trạng và ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp tại xã Bình Lư; điểm lại kế hoạch ứng phó thiên tai, BĐKH cấp xã và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội do cấp huyện giao xuống; đồng thời lên kế hoạch lồng ghép bộ công cụ CRAI (Climate-Responsive Agricultural Index) – gồm các chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH vào bản kế hoạch cấp xã.
Thành viên của Nhóm nông dân ứng phó – đại diện cho tiếng nói của người nông dân tại bản Nà Cà đã chia nhóm và cùng thảo luận với các lãnh đạo địa phương để tìm hướng giải quyết cho các vấn đề về thời tiết cực đoan như rét đậm rét hại hay khô hạn, cũng như phương pháp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tại địa bàn. Những kết quả thảo luận này sẽ trở thành căn cứ để lãnh đạo UBND xã Bình Lư điều chỉnh lại các chỉ tiêu về nông nghiệp và đồng thuận cho các đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để có khả năng thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra.
Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022. Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối, giám sát, đào tạo, truyền thông và báo cáo các hoạt động của Dự án. |