Báo cáo “Đánh giá quản trị cảnh quan rừng khu vực Tây Nam tỉnh Quảng Nam” thảo luận các phát hiện chính từ tiến trình đánh giá quản trị rừng cảnh quan dự án Tiếng nói vì rừng Mê Công (V4MF) giai đoạn 2017-2021.
Năm 2017, nhóm kỹ thuật dự án V4MF tại Việt Nam gồm WWF, RECOFTC và PanNature tổ chức đánh giá thể chế và bối cảnh quan liên tỉnh Quảng Nam – Kon Tum. Dựa trên các đánh giá thể chế, xác định các bên liên quan và phân tích nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, nhóm kỹ thuật của dự án tiến hành phân tích và chọn ra các vấn đề quản trị chính để đánh giá.
Trên cơ sở khung đánh giá, các công cụ thu thập dữ liệu được xây dựng và tập huấn cho các điều tra viên (thành viên nhóm nòng cốt tại địa phương). Mẫu điều tra và ứng dụng di động sau đó được thử nghiệm tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dựa vào kết quả thử nghiệm, các mẫu này được hoàn thiện trước khi chính thức sử dụng cho việc xây dựng ứng dụng di động và thu thập dữ liệu giám sát quản trị rừng.
Việc thu thập dữ liệu được tiến hành ở cấp tỉnh và 4 huyện (Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My), trong mỗi huyện bao gồm một xã, và trong mỗi xã phỏng vấn 30 hộ gia đình có nhận giao/khoán rừng, tham gia bảo vệ rừng và có diện tích rừng trồng các loại.
Dựa vào dữ liệu được thu thập và tổng hợp, nhóm kỹ thuật dự án phân tích số liệu và viết báo cáo. Báo cáo gồm 6 phần. Sau phần Giới thiệu, Phần 2 của báo cáo mô tả về vùng cảnh quan của dự án. Phần 3 giới thiệu Phương pháp luận được áp dụng trong toàn bộ tiến trình, trong đó mô tả chung về tiến trình thực hiện, các bên liên quan, phương pháp luận được áp dụng trong việc xây dựng khung đánh giá và phát triển mẫu thu thập dữ liệu cũng như việc thực hiện thu thập số liệu, phân tích và viết báo cáo. Tiếp theo đó, Phần 4 của báo cáo mô tả các phát hiện chính của tiến trình đánh giá. Phần 5 sẽ tóm tắt các kết luận chính của báo cáo và đưa ra các đề xuất về mặt chính sách và thực tiễn dựa trên kết quả đánh giá. Cuối cùng, Phần 6 trình bày các bài học kinh nghiệm trong tiến trình đánh giá quản trị cảnh quan và đề xuất các giải pháp khắc phục trong tương lai.