Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Bảo tồn động vật hoang dã từ góc nhìn văn hóa, cộng đồng

Xưa kia, việc săn bắt ĐVHD là một phần lối sống của người dân sống gần rừng và không bị xem là phạm pháp hay trái đạo lý. Tuy nhiên, với tình trạng tài nguyên rừng dần trở nên cạn kiệt, việc khai thác và tiêu dùng ĐVHD không những cần bị xử phạt mà còn cần xã hội lên án để thay đổi.

Để bảo vệ rừng và ĐVHD, việc thay đổi nhận thức người dân bản địa sinh sống quanh rừng, cũng như thay đổi nhận thức xã hội về tiêu dùng động vật hoang dã vô cùng cần thiết. Nhằm huy động sự tham gia của nhà báo trong truyền tải thông điệp bảo tồn và giúp thay đổi nhận thức cộng đồng về tiêu dùng động vật hoang dã, Pan Nature tổ chức khóa tập huấn “Bảo tồn Động vật hoang dã từ góc nhìn văn hóa, cộng đồng” tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La từ 27-29/11/2021.

Tập huấn đã thu hút sự tham gia của 26 nhà báo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, văn hóa và đại diện cộng đồng địa phương.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Save Vietnam’s Wildlife, chia sẻ đầy nhiệt huyết về chủ đề “Tại sao phải bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam?”. Theo đó, ông Thái nêu rõ thực trạng suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam và hậu quả của việc buôn bán và sử dụng sản phẩm động vật hoang dã. Ông Thái cũng nhấn mạnh vai trò của nhà báo trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về bảo vệ động vật hoang dã.
Săn bắt động vật hoang dã còn được thể hiện dưới góc nhìn văn hóa qua chia sẻ của Tiến sĩ Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học. Theo chia sẻ của TS. Tình, việc săn bắt thú rừng là hoạt động sinh nhai từ xa xưa của các cộng đồng dân tộc miền núi. Tuy nhiên, do sự cạn kiệt tài nguyên và quy định luật pháp, ngày nay hoạt động này không còn phổ biến. Để thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn săn bắt và tiêu dùng ĐVHD cần có một cái nhìn khái quát và thấu hiểu hơn từ góc nhìn văn hóa, sinh kế.
Bạn trẻ Tráng A Tòng, đại diện cho thế hệ trẻ ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ chia sẻ câu chuyện về khu rừng Vân Hồ, nơi sinh sống của quần thể vượn đen má trắng nguy cấp, cũng như sự cấp thiết cần bảo vệ động vật hoang dã.
Xuất phát từ 5h30, các đại biểu thăm đàn vượn đen má trắng tại Vân Hồ.
Ngày thứ hai của đợt tập huấn, các đại biểu được chia làm hai nhóm, di chuyển tới hai khu vực khác nhau nhằm tìm kiếm những mảnh ghép hoàn thiện nên bức tranh về tình trạng bảo vệ rừng và ĐVHD, cũng như thực trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã tại Vân Hồ.
Được dẫn dắt bởi nhà báo Trường Sơn của VTV24, nhóm báo chí có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với Hạt Kiểm lâm Vân Hồ.
Đoàn thăm trang trại hươu sao ở bản Hua Tạt, Vân Hồ và được chủ trại chia sẻ về hành trình phát triển mô hình trang trại, mô hình kinh tế tại bản.

Buổi chiều, đoàn được trò chuyện với một vài “thợ săn” bản địa hiện vẫn còn săn bắt thú nhỏ lẻ và một người thợ rèn vũ khí để nghe chia sẻ về chuyện săn bắn xưa và nay.
Nhóm thứ hai dưới sự dẫn dắt của nhà báo Đinh Đức Hoàng di chuyển về phía Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Nha. Tại đây, nhóm trò chuyện với Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cửa rừng Tân Xuân về đa dạng sinh học của KBT Xuân Nha và về những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ rừng và ĐVHD ở khu vực này.
Nhóm cũng được tiếp xúc trò chuyện với trưởng bản Chiềng Hin, xã Xuân Nha và hai thợ săn đã “giải nghệ” để nghe những câu chuyện săn bắn trước kia.
Vào ngày cuối cùng của buổi tập huấn, hơn 20 nhà báo và các chuyên gia tham gia buổi chia sẻ về nghiệp vụ điều tra, viết bài.
Tại đây, nhà báo Trường Sơn đã có những chia sẻ tâm huyết về kỹ năng và kinh nghiệm làm điều tra về buôn bán ĐVHD.
Nhà báo Đức Hoàng truyền đạt cách viết hiệu quả và và truyền cảm hứng tới độc giả về các vấn đề quan điểm, chính sách và kêu gọi hành động hành động.
Từ những chia sẻ này và những câu chuyện thu thập tại buổi thực địa, hai nhóm báo chí sau đó thảo luận về các nội dung tìm hiểu tại địa phương, về các chủ đề, khía cạnh có thể khai thác và đào sâu thêm trong thời gian tới.

Chương trình do Liên minh Châu Âu tài trợ trong khuôn khổ dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Tổ chức WCS điều phối và PanNature là đối tác thực hiện dự án tại Việt Nam.

Chương trình Hội thảo

Vì sao phải bảo vệ động vật hoang dã?– Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam (SVW)

Săn bắn nhìn từ khía cạnh văn hóa của các cộng đồng vùng cao – TS. Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học

Báo chí với đề tài điều tra về ĐVHD – NB. Trường Sơn 

Thể loại quan điểm – NB. Đinh Đức Hoàng

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia