Suốt mấy tháng nay, nông dân nhiều nơi ở các tỉnh phía Bắc kêu trời vì một loại “tặc” mới: “giun tặc”. Do nhu cầu mua giun sấy khô làm thuốc từ Trung Quốc tăng cao, nhiều người rần rần đi mua máy kích giun, săn cùng diệt tận từ đồng ruộng, vườn tược đến cả rừng cấm. Chính quyền địa phương lúng túng, không biết xử lý với vấn nạn mới này như thế nào. Nông dân thì lo rào vườn, rào ruộng trông chừng đội trộm giun …
Con giun đất với nhiều người trông không có tí thiện cảm nào, xấu xí, bẩn thỉu, … Thời xưa, ai bị sốt rét mà phải nuốt mấy con giun đất theo lời các ông bà lang ắt hẳn khiếp vía cả đời với cái cảm giác trơn trượt, loằng ngoằng chui vào bụng.
Một sinh vật khác, cũng xấu xí và kinh khủng không kém: Con bọ hung. Nhiều bạn trẻ có thể không biết đến con bọ hung, nhưng thế hệ từ 30 tuổi trở lên chắc hẳn đều biết và chúng ta khó có thể dùng bất kỳ mỹ từ nào để ca ngợi loài côn trùng này được.
Trong thế giới côn trùng còn có rất nhiều sinh vật gớm ghiếc, không mấy thiện cảm như vậy. Ví như các loài ruồi chẳng hạn – chúng cực kỳ nhạy bén với các loại xác chết và thức ăn hôi thối.
Đấy là những sinh vật còn có thể nhìn thấy được. Có một thế giới các loài vi sinh vật khác cực kỳ đông đảo mà chúng ta hầu như chả biết mặt, biết tên. Nghe đến vi khuẩn, virus thôi thì liên tưởng dễ nhất là bệnh dịch, chết chóc, thối rữa … Nói chung không thể ưa được. Kể cả khi chúng được lên báo chí, tivi thì hình ảnh minh họa của mấy loài này cũng thật khủng khiếp và đầy đe dọa chết chóc!
Có lẽ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu những sinh vật xấu xí, gớm ghiếc này biến mất khỏi mặt đất. Có thật thế chăng?
Thiên nhiên đẹp trong mắt ai?
Chúng ta lớn lên thường biết đến thiên nhiên hoang dã qua sách vở, báo chí, phim ảnh, và nay là mạng xã hội. Thiên nhiên là phải đẹp và hùng vĩ, các loài cây cỏ, chim muông, dã thú phải sắc màu, hùng dũng hoặc thật xinh xắn. Đây cũng là một trong những lý do để con người nhận thức được vẻ đẹp của thiên nhiên, từ đó yêu quý, giữ gìn những vẻ đẹp đó.
Ngay cả trong cộng đồng các tổ chức bảo tồn thiên nhiên cũng vậy. Cách truyền thông, quảng bá thông điệp về thiên nhiên, các loài sinh vật trên hầu hết các phương tiện và diễn ngôn đều rất sắc màu và đẹp đẽ.
Trên khắp hành tinh này, đang có rất nhiều chương trình, dự án bảo tồn các loài hoang dã, cứu chúng khỏi nguy cơ tuyệt diệt. Thế nhưng không phải các loài đều được đối xử bình đẳng. Đối với động vật, những loài được ưu tiên đầu tư, tài trợ nhiều là những loài có sức thu hút công chúng tốt hơn. Ví dụ như hổ, voi, tê giác, các loài linh trưởng, tê tê, gấu trúc… Có điều khá chắc chắn là kêu gọi hỗ trợ bảo vệ các loài giun đất sẽ rất khó cạnh tranh với những loài động vật độc đáo kia.
Việc tận dụng tối đa sự thu hút đối với những sinh vật to lớn hoặc dễ thương này xuất phát từ lý do chúng có thể giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề bảo tồn thiên nhiên quan trọng, và kêu gọi đóng góp để bảo các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Bên cạnh đó, con người có xu hướng thiên vị các loài có độ hấp dẫn cao hơn từ khi còn bé. Cứ thử hỏi một đứa trẻ xem con vật yêu thích là gì? Khá chắc chắn câu trả lời sẽ là các loài vật thật dễ thương, đáng yêu như mèo hay thỏ, hoặc to lớn, hùng dũng, bệ vệ như gấu, voi hay hổ.
Mặt trái từ những thông điệp từ truyền thông kể trên có thể khiến người ta quên mất rằng trái đất là ngôi nhà chung của hàng triệu loài sinh vật (thậm chí cỏ thể lên đến khoảng 50 triệu loài), chứ không chỉ mỗi vài chục loài thường xuyên được nhắc đến.
Nhiều loài quá nhỏ, quá xấu, quá ít có thể vẫn chưa lọt vào danh sách quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn. Đối với công chúng, những loài loài sinh vật kém hấp dẫn có thể không thuộc ưu tiên cần thiết phải bảo vệ. Quan niệm thẩm mỹ của con người đang đơn giản hóa thiên nhiên và khiến nhiều loài bị tuyệt chủng trước khi chúng ta nhận ra rằng chúng đã biến mất.
Một ví dụ là về các loài động vật tham gia vào quá trình thụ phấn cho thực vật, giúp tạo ra thức ăn và rất nhiều sản phẩm phục vụ con người. Có tới 90% các loài thực vật phải dựa vào động vật để hỗ trợ thụ phấn. Và có đến 350.000 loài động vật tham gia thụ phấn.
Tuy nhiên, khi nói đến thụ phấn đa số chúng ta sẽ nghĩ ngay đến ong (ong cũng có đến khoảng 20.000 loài khác nhau). Thế nhưng, nếu nói về số lượng, bướm và bướm đêm với
hơn 140.000 loài khác nhau không được biết đến nhiều như ong. Con ong chăm chỉ được yêu mến hơn các loài bướm đêm xấu xí, cục mịch. Và chúng ta cũng chỉ biết đến vài loài ong, bướm quen thuộc, dễ nhận biết chứ không phải số đông vô danh còn lại.
Những anh hùng bị lãng quên
Hệ sinh thái phát triển khỏe mạnh nhờ có sự kết hợp rất nhiều loài, phần lớn là vô hình. Một thìa cà phê đất ở các khu vực tự nhiên có nhiều sinh vật sống trong đó hơn dân số loài người. Nếu không có những vi sinh vật này thì các loài thực vật và động vật cũng không thể tồn tại. Hệ vi sinh vật đất khỏe mạnh cũng giúp tạo ra nguồn thực phẩm lành mạnh.
Quay lại với các loài giun đất. Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định và đặt tên được cho hơn 6.000 loài giun đất ở các hệ sinh thái trên đất liền. Cũng như ong, giun đất âm thầm và làm việc chăm chỉ, không ngừng nghỉ để phục vụ cho môi trường đất, cho thực vật, động vật và con người.
Giun đất tái chế chất hữu cơ thông qua tiêu hóa xác thực vật và động vật chết, bài tiết dưới dạng phân giàu chất dinh dưỡng và chất hữu cơ. Giun đất có thể tái chế tới 20 tấn chất hữu cơ/ha mỗi năm, qua đó giúp cải thiện độ phì nhiêu và năng suất của đất.
Giun đất giúp tăng lượng chất dinh dưỡng hơn cho cây trồng bằng cách giải phóng lượng nitơ, phốt pho, kali, canxi và magiê khỏi chất hữu cơ mà chúng tiêu hóa. Giun đất cũng vận chuyển chất dinh dưỡng từ bề mặt đến các tầng sâu hơn của đất, giúp rễ cây có thể hấp thụ.
Giun đất cũng cải thiện cấu trúc đất bằng hệ thống hang trong đất khi chúng di chuyển và kiếm ăn, giúp cải thiện khả năng sục khí, thoát nước và giữ nước của đất. Hang giun đất cũng giúp ngăn ngừa xói mòn và giúp đất tơi xốp, tăng khả năng thẩm thấu nước, giảm dòng chảy mặt. Ở những nơi có mật độ giun đất cao, cấu trúc đất có thể cải thiện tới 10 lần so với đất không có giun.
Giun đất cũng là nguồn thức ăn của nhiều loài động vật như chim, nhím, cầy, ếch, ốc, cá. Giun đất cung cấp thức ăn giàu protein cho những động vật này, giúp chúng phát triển và sinh sản. Qua chuỗi thức ăn, chúng chuyển năng lượng và chất dinh dưỡng từ thực vật lên bậc dinh dưỡng cao hơn.
Tương tự như vậy, mặc dù rất xấu xí nhưng bọ hung và các loài côn trùng tham gia rất nhiều vào quá trình phân hủy chất hữu cơ. Chúng giúp phân hủy phân, xác thực vật và động vật chết, biến chúng thành chất hữu cơ mà thực vật có thể sử dụng.
Nếu các loài bé nhỏ, xấu xí, vô hình kia biến mất?
Câu trả lời chung của các nhà khoa học: Nếu tất cả chúng đều biến mất, hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với sự sống của hành tinh chúng ta.
Đầu tiên, Trái đất sẽ ngập rác mãi mãi! Xác các loài thực vật và động vật chết sẽ chất đống trên bề mặt, tạo ra một lượng CO2 và metan khổng lồ, làm tăng hiệu ứng nhà kính và hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thứ hai, chu trình nitơ sẽ bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng thiếu nitơ cho thực vật và động vật do không có quá trình cố định đạm hoặc khử nitrat khi các loài vi khuẩn không còn nữa. Nitơ là nguyên tố chính để tạo ra protein và DNA – không có nó, sự sống sẽ không thể phát triển hoặc sinh sản.
Tiếp theo, nồng độ oxy trong khí quyển sẽ giảm mạnh, khiến động vật khó thở do chu trình quang hợp bị gián đoạn. Oxy cũng cần thiết cho tầng ozon, giúp bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ cực tím có hại từ mặt trời. Hiện tượng đột biến gen và ung thư sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Nhiều mối cộng sinh giữa thực vật và động vật có lợi cho cả hai bên sẽ bị mất đi. Cộng sinh giúp thực vật và động vật có được chất dinh dưỡng, chống lại dịch bệnh và thích nghi với sự thay đổi của môi trường. Khi nhiều loài côn trùng thụ phấn biến mất, nguồn cung thực phẩm cho loài người cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không có các “kỹ sư giun đất”, đất cũng không thể giúp chúng ta đảm bảo được năng suất và chất lượng các sản phẩm trồng trọt.
Thế giới lúc đó sẽ không có mầm bệnh hoặc ký sinh trùng. Thoạt nghe có vẻ là một điều tốt, nhưng đó cũng có nghĩa là sẽ không có hệ thống miễn dịch hoặc đồng tiến hóa. Hệ thống miễn dịch giúp chúng ta chống lại nhiễm trùng và ngăn ngừa bệnh tật, định hình sự phát triển và sinh lý của chúng ta. Đồng tiến hóa là quá trình hai loài ảnh hưởng đến sự tiến hóa của nhau, dẫn đến sự thích nghi và đa dạng.
Như bạn có thể thấy, bất chấp vẻ ngoài xấu xí hoặc thậm chí vô hình, các loài sinh vật này rất quan trọng đối với hoạt động ổn định của hệ sinh thái và thế giới chúng ta đang sống. Mất chúng sẽ có tác động dẫn đến hủy hoại sự sống trên Trái đất.
Thuận thiên hay theo thẩm mỹ loài người?
Khi nêu lý do cần bảo vệ loài động vật này, thực vật kia, chúng ta hay viện dẫn sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ IUCN hay các danh sách luật pháp ban hành. Hoặc chúng ta ủng hộ cho các chiến dịch gây quỹ đôi khi đơn thuần vì những bức ảnh đẹp, thước phim hùng vĩ về loài vật, phong cảnh thiên nhiên.
Rõ ràng các loài thực vật và động vật to lớn, hoặc xinh đẹp, cá tính dễ tạo ấn tượng thuyết phục và gây xúc động hơn nhiều trong các chiến dịch truyền thông so với lũ giun đất, vi khuẩn, hay một khu đất ngập nước trông có vẻ nghèo nàn, hoang hóa.
Cách tư duy thiên vị này rõ ràng không có lợi cho đa số những loài sinh vật còn lại. Thật khó để nói loài nào quan trọng hơn loài nào trong thế giới tự nhiên nếu chúng ta thử quan sát, tư duy không phải qua lăng kính lấy con người làm trung tâm.
Theo đó, chúng đều là những bộ phận quan trọng trong một hệ thống sự sống phức tạp, kỳ vỹ và đáng kinh ngạc. Cách tư duy đặt loài người ra khỏi thiên nhiên đang khiến chúng ta nhìn nhận về đa dạng sinh học một cách hẹp hòi, không nhận thức được vô vàn điều kỳ diệu thực sự của thiên nhiên.
Để thực sự bảo vệ thiên nhiên, chúng ta cần thừa nhận thực tế rằng tất cả các loài đều là một phần của hệ thống phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau. Dù bé nhỏ, xấu xí, hay vô hình thì chúng đều là những bộ phận không thể thiếu để duy trì sự tồn vong của trái đất.
Kích điện bắt giun đất, vì vậy cũng cần bị xem như bất cứ hành vi tận diệt một loại sinh vật nào đó không thể thiếu với trái đất của chúng ta và phải được ngăn chặn ngay.
Tác giả: Ông Trịnh Lê Nguyên là thạc sĩ chuyên ngành Nước – Môi trường – Hải dương học; có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức trong nước và quốc tế về bảo tồn thiên nhiên. Hiện ông Nguyên là Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Chủ tịch Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam. |
Bài viết đăng trên mục Tâm điểm của Báo điện tử Dân Trí xuất bản ngày 25/09/2023