Nghiên cứu “Rừng tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng – Các vấn đề quản trị và khuyến nghị chính sách” đưa ra những phân tích về giá trị cũng như tính cần thiết của việc thừa nhận và xây dựng khung pháp lý cho việc quản lý, đầu tư và phát triển các khu rừng tín ngưỡng và rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng (sau đây gọi là rừng truyền thống).
Các khu rừng truyền thống được nhóm lựa chọn nghiên cứu đang được quản lý, bảo vệ bởi các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau: Dao, H’Mông, Thái, Cờ Ho, Mạ, Chu Ru tại các khu vực Tây Bắc (Lào Cai), Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An) và Tây Nguyên (Kon Tum, Lâm Đồng).
Rừng truyền thống của cộng đồng mặc dù đã được thừa nhận trong luật Lâm nghiệp năm 2017 nhưng khung pháp lý và chính sách đối với hai loại rừng này về cơ bản vẫn chưa được thiết lập.
Tổng quan tài liệu đã ghi nhận giá trị của rừng truyền thống, sự cần thiết phải hình thành đồng bộ các văn bản pháp quy về lâm nghiệp cộng đồng, thừa nhận các chủ rừng có tư cách pháp nhân và thành lập các khu vực bảo tồn thiên nhiên do cộng đồng
tự quản lý là những kết quả nổi bật.
Kết quả điều tra, khảo sát thực địa đã chỉ ra một số bất cập đối với khung pháp lý và chính sách đối với rừng truyền thống. Căn cứ vào kết quả tổng quan tài liệu, kinh nghiệm quốc tế và những đánh giá tại hiện trường, nhóm nghiên cứu đưa ra các kiến
nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý và chính sách đối với rừng truyền thống.
Báo cáo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) khởi xướng, xây dựng đề cương và tham gia thực hiện dưới sự chủ trì chuyên môn của TS. Đinh Đức Thuận, Hội Chủ Rừng Việt Nam. Nhóm nghiên cứu chính sách của PanNature đã bổ sung, biên tập và hoàn thiện báo cáo cuối cùng dựa trên bản thảo do TS. Đinh Đức Thuận cung cấp.
Chi tiết ấn phẩm vui lòng xem tại đây.