Ngày 20/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Toạ đàm “Xã hội hoá trồng rừng – Vì một Việt Nam xanh hơn”.
Buổi Tọa đàm có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội; đại diện một số tổ chức quốc tế (FAO, USAID, GIZ, UNDP, JICA,…), tổ chức phi chính phủ (PanNature, GAIA, SRD,…); đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia tư vấn và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng; nhờ đó đã tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người làm nghề rừng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Để đạt được những kết quả trên, công tác phát triển rừng đã có sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành, các cơ quan từ trung ương tới địa phương và toàn xã hội.
Từ 2021 đến nay, cả nước trồng khoảng 696 nghìn ha rừng trồng tập trung (năm 2021: 245 nghìn ha; năm 2022: 253 nghìn ha; 10 tháng đầu năm 2023: 198 nghìn ha); trồng khoảng 277 triệu cây phân tán (năm 2021: 97 triệu cây; năm 2022: 110 triệu cây; 10 tháng đầu năm 2023: 71 triệu cây). Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là là 445.480 ha; diện tích chuyển hóa rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là 63.341 ha; tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là: 449.240 ha.
Để đạt được những kết quả trên, trong nhiều năm qua, nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng, các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi,… Từ đó đã huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Việc hình thành và tổ chức hoạt động hiệu quả hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương cũng là một điển hình thành công của ngành lâm nghiệp trong việc huy động hiệu quả, bền vững nguồn lực xã hội cho quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng, với tổng nguồn thu là trên 23.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2011 – 2022. Các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, trước mắt là dịch vụ các bon rừng, kinh doanh tín chỉ các bon rừng.
Các diễn giả tham gia toạ đàm, ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá, bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm bảo tồn thiên nhiên GAIA, bà Ngô Nữ Huyền Trang – Trưởng phòng đối ngoại phụ trách phát triển bền vững Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam, ông Hà Đăng Chỉnh – Trưởng phòng nguyên liệu gỗ Công ty CP Woodsland đã đưa ra các nhận định, quan điểm liên quan đến công tác xã hội hoá trồng rừng, động lực để các thành phần kinh tế trong và ngoài nhà nước, các tổ chức xã hội tích cực tham gia đầu tư trồng rừng cũng như những khó khăn, thách thức đối với việc huy động nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động trồng rừng, kinh doanh rừng, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn và rừng có chứng chỉ quản lý bền vững, phát huy các giá trị đa dụng của rừng,…
Có thể nói, công tác xã hội hoá trồng rừng đang ngày càng được người dân và các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hơn lúc nào hết, việc đẩy mạnh công tác phát triển rừng, trồng thêm nhiều cây xanh là một trong số các giải pháp hữu hiệu, là hành động vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước.
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Rừng là một hệ sinh thái thống nhất. Cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. Quan trọng là phải tạo được việc làm, sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Rừng không chỉ là kinh tế, giá trị môi trường mà còn giá trị về cộng đồng, giá trị về văn hóa, tín ngưỡng ngàn đời của bà con. Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản cần chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác với người dân, những người trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả. Đây là cơ sở để chúng ta phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tài liệu tọa đàm vui lòng xem tại đây.
Nguồn: Môi trường và Đô thị