Ngày 13/10/2020 tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) tổ chức Hội thảo “Chính sách, đầu tư và quản lý bền vững cho hệ thống rừng phòng hộ Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Vụ Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ, đại diện sở NN&PTNT, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tại một số tỉnh thành trên cả nước, cùng các bộ đang công tác tại các viện nghiên cứu, đơn vị quản lý liên quan đến rừng phòng hộ.
Rừng phòng hộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh môi trường quốc gia, đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế xã hội địa phương và đời sống cộng đồng sống gần rừng. Tuy nhiên, thực tế trong quản lý bảo vệ rừng cho thấy các ban quan lý và chủ rừng phòng hộ đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động và quản lý bền vững diện tích rừng được giao. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển như yêu cầu lập phương án quản lý rừng bền vững, khuyến khích các đơn vị tự chủ, nhưng quá trình thực thi còn bộc lộ nhiều bất cập cần giải quyết.
Trên cơ sở đó, hội thảo tạo nên không gian mở để các đại biểu cùng đưa ra đánh giá về thực trạng, khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ Việt Nam; chia sẻ những sáng kiến mới trong quản lý, phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ; đề xuất, kiến nghị chính sách và thực thi quản lý rừng bền vững và định hướng đầu tư cho hệ thống rừng phòng hộ.
Ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong bối cảnh xã hội và ngành lâm nghiệp hiện nay, các ban quản lý chắc chắn phải quản lý rừng bền vững. Nhưng để thực hiện quản lý rừng bền vững đòi hỏi những điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần trước hết là các Ban Quản lý rừng phòng hộ phải biết được các giá trị của rừng mình do quản lý chứ không phải quản lý diện tích như hiện tại. Và để thực hiện được quản lý rừng bền vững đòi hỏi nguồn tài chính ổn định, lâu dài cho các ban”.
Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, Nghệ An nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền tự chủ cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ hiện nay. “Để có thể bảo vệ rừng hiệu quả, các Ban Quản lý rừng phòng hộ phải được trao quyền tự chủ theo đúng nghĩa. Hiện tại, các Ban Quản lý không được tự chủ về nhân sự, về số hợp đồng bảo vệ rừng. Đối với khoán bảo vệ rừng, hiện Ban Quản lý không được quyền chọn các đối tượng giao khoán mà phải ưu tiên khoán cho các hộ nghèo, trong khi các hộ nghèo thường thiếu nhân lực lao động nên thiếu khả năng bảo vệ rừng” – Đại biểu cho biết thêm.
Các kiến nghị, sáng kiến được thảo luận trong hội thảo sẽ được nghiên cứu và phát triển nhằm hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách lâm nghiệp cấp tỉnh và cấp quốc gia trong thời gian tới.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Bảo tồn và Sử dụng bền vững Đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam (BIO) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) tài trợ.
Tài liệu hội thảo
Vai trò của rừng phòng hộ ở Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Dưng, Viện Điều tra Quy hoạch rừng
Định hướng phát triển rừng phòng hộ ở Việt Nam
Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ
Quản lý rừng phòng hộ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ theo phương án QLBVR
Ông Ngô Trí Dũng, Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên CORENARM
Rà soát và đánh giá chính sách đầu tư tài chính cho rừng phòng hộ Việt Nam
Ông Đoàn Diễm, Chuyên gia tư vấn PanNature
Ông Trần Quốc Cảnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên Huế
Quản lý bền vững rừng phòng hộ Tây Nguyên – Một số đề xuất từ thực tiễn Đăk Lăk
TS. Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Đắk Lắk
Cơ chế quản lý rừng phòng hộ theo khung chính sách lâm nghiệp mới
Viện Nghiên cứu Lâm sinh
Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa
Báo cáo tham luận về tự chủ tài chính Ban Quản lý rừng phòng hộ IA LY – Khó khăn và thách thức
Ban Quản lý rừng phòng hộ IA LY