Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD) ở các nước đang phát triển là sáng kiến toàn cầu đã được bàn thảo tại Hội nghị các nước thành viên lần thứ 13 (COP13) của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và đã được đưa vào lộ trình Kế hoạch hành động Ba-li từ năm 2007. Hàng năm, lượng khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 20% so với tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, vì thế sáng kiến REDD được hình thành từ ý tưởng giản đơn ban đầu là trả tiền cho các nước đang phát triển để làm giảm phát thải khí CO2 từ ngành rừng. Để thử nghiệm và thể chế hoá thực hiện REDD, cùng với Bolivia, Campuchia, Cộng hoà dân chủ Công-gô, Indonesia, Panama, Papua New Guinea, Paraguay, Phillipin, Salomon, Tanzania và Zambia, Việt Nam là quốc gia đã được Chương trình REDD của Liên hợp quốc (UN-REDD) lựa chọn và hỗ trợ xây dựng và thực hiện thí điểm chiến lược quốc gia về REDD từ năm 2009.

REDD được cho là có tiềm năng to lớn, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, mà còn tác động tích cực cho bảo tồn đa dạng sinh học (rừng), xoá đói giảm nghèo, phát huy quyền của người dân bản địa và hơn cả là thúc đẩy phát triển bền vững. Lợi ích của REDD sẽ được tối đa ở cả phạm vi dự án, quốc gia và toàn cầu khi chúng được thiết kế thực hiện đúng đắn và hợp lý. Đây cũng là mong muốn của các nhà tài trợ quốc tế cho REDD, nhằm đảm bảo rằng REDD sẽ chính thức được đưa vào cam kết khí hậu toàn cầu sau năm 2012
với sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của tất cả các nước tham gia.

Bắt đầu bằng ý tưởng đơn giản, nhưng quá trình nghiên cứu thực hiện REDD đã cho thấy đây là vấn đề phức tạp và thách thức, nhất là các yêu cầu về đo đạc, xác định phạm vi, chi trả, duy trì tính lâu bền, trách nhiệm pháp lý, sự rò rỉ và mức tham chiếu tính toán. Do có kỹ thuật phức tạp, nên REDD lại bộc lộ những nguy cơ và rủi ro khiến cộng đồng địa phương sống dựa vào rừng khó có thể tiếp cận và đàm phán để giành lấy lợi ích và sự công bằng. Giới khoa học quốc tế đang tích cực nghiên cứu, bàn luận và công bố những hiểu biết tốt hơn về REDD, nhằm hỗ trợ cho các quốc gia và tổ chức liên quan có thể thiết kế và thực hiện chương trình, kế hoạch và dự án về REDD một cách hiệu quả.

Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) là một trong những tổ chức quốc tế có nhiều đóng góp cho nỗ lực nghiên cứu và tăng cường hiểu biết về REDD. Năm 2008, CIFOR đã xuất bản và công bố rộng rãi ấn phẩm Moving Ahead with REDD: Issues, Options and Implications (Chuyển động cùng REDD: Khái niệm và lựa chọn cách thực hiện) do Arild Angelsen biên tập, với các trình bày cụ thể, rõ ràng về các nội hàm chính liên quan đến lựa chọn thiết kế REDD cấp toàn cầu. Ấn phẩm này gồm có 10 chương chính, giúp bạn đọc có thể hiểu được những thách thức của thiết kế và thực hiện REDD như: Giám sát, báo cáo và thẩm định giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng như thế nào? Nên tài trợ cho REDD ra sao? Nên chi trả REDD cho quốc gia, dự án hay cả hai? Các mức cơ sở tham chiếu nên được xác lập bằng cách nào? Xem xét sự rò rỉ các-bon hoặc tính không bền lâu ra sao? Làm thế nào để cùng đồng hưởng lợi từ REDD và tránh gây tổn hại?… Mục 1.3 của Phần I tài liệu này giới thiệu tóm tắt nội dung chính của từng chương theo bản gốc (tiếng Anh) của ấn phẩm.

Hiểu đúng và đầy đủ về REDD đang là một thách thức đối với các cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có cùng mối quan tâm đến các vấn đề giảm phát thải từ quản lý bảo vệ rừng, tài chính các-bon, chi trả và chia sẻ lợi ích công bằng, cũng như các khía cạnh kỹ thuật về phương pháp thiết kế và thực hiện REDD. Trong nỗ lực tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức về REDD cho giai đoạn khởi đầu áp dụng sáng kiến này ở Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã lựa chọn để biên dịch, biên tập và tập hợp một số chương quan trọng từ ấn phẩm nói trên của CIFOR để xuất bản bằng tiếng Việt. PanNature chọn dịch và giới thiệu các chương được trình bày trong tài liệu này theo các phần có nội dung tương ứng như sau:

  • Phần 1: Các khái niệm và vấn đề cơ bản về thiết kế và thực hiện REDD
  • Phần 2: Nội dung chính về thiết kế thực hiện REDD và tiêu chí đánh giá lựa chọn
  • Phần 3: Giám sát, báo cáo và thẩm định lượng phát thải từ rừng
  • Phần 4: Đo đạc và giám sát suy thoái rừng
  • Phần 5: Đồng hưởng lợi từ REDD và tránh gây tổn hại

PanNature hi vọng rằng tài liệu này sẽ hữu ích cho những ai quan tâm đến vấn đề thực thi REDD ở Việt Nam cũng như quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Bên cạnh cung cấp thông tin bàn luận về các khía cạnh kỹ thuật trong thiết kế và thực hiện REDD nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ rừng, PanNature mong muốn từ đây bạn đọc sẽ quan tâm nhiều hơn đến các nội hàm cốt lõi của sáng kiến quốc tế này như: xoá đói giảm nghèo, quyền sở hữu và tiếp cận tài nguyên, chia sẻ lợi ích công bằng, quyền của người dân bản địa,… Tóm lại, dù lựa chọn thực hiện REDD theo cách nào thì các bên liên quan cần phải xem con người là trọng tâm, nhất là cộng đồng nghèo, bản địa và sống dựa vào rừng, trong nỗ lực hiện thực hoá các cam kết chính trị của quốc gia thành viên tham gia về giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Cảm ơn tổ chức CIFOR đã cho phép PanNature sử dụng và chuyển ngữ (một phần) ấn phẩm này sang tiếng Việt và khuyến khích công bố rộng rãi. Tài liệu này không thể xuất bản nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Ford (Ford Foundation, Hoa Kỳ) cho việc dịch thuật, in ấn và xuất bản. PanNature trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác của các cá nhân đã tham gia biên dịch, hiệu đính, thiết kế tài liệu này.

Tải bản PDF cuốn “Chuyển động cùng REDD: Khái niệm và lựa chọn cách thực hiện” – 3.14 MB

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia