Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Mê Kông là một trong 10 con sông lớn nhất thế giới với tổng chiều dài khoảng 4.800 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua các quốc gia Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Ở phần thượng nguồn thuộc Trung Quốc và Myanmar, sông Mê Kông nhỏ hẹp, chảy mạnh, nhiều thác ghềnh và có tiềm năng lớn về thủy điện. Phần hạ nguồn, lòng sông mở rộng do được tiếp nhận nguồn nước từ rất nhiều chi lưu khác như Serepok, Se San và Sekong. Tại Phnom Phenh (Campuchia) dòng chính sông Mê-kong phân tách thành 2 nhánh, sông Tiền và sông Hậu, chảy qua địa phận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam và đổ ra biển Đông ở 9 cửa lớn. Cùng các chi lưu của nó, dòng Mê Kông đã tạo ra một lưu vực rộng lớn có diện tích khoảng 810.000 km2 với hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng phong phú và đa dạng. Chính hệ sinh thái này đã mang lại nhiều nguồn lợi cho các quốc gia và người dân sinh sống trong lưu vực. Theo ước tính, khoảng 60 triệu người  hạ lưu vực đang phụ thuộc các vùng đất ngập nước thuộc lưu vực sông Mê Kông  trong sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản và các hoạt động phục vụ sinh kế khác (MRC, 1997).

ĐBSCL của Việt Nam được hình thành chủ yếu từ trầm tích phù sa của sông Mê Kông và bồi dần qua các kỷ nguyên thay đổi mực nước biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã tạo ra vùng đồng bằng rộng lớn có  độ cao trung bình chỉ khoảng 1.5 m so với mực nước biển với những dải đất phù sa ngọt nằm xem kẽ giữa các vùng đất phèn và mặn. Do những đặc tính này, sông Mê Kông có một vai trò rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Lượng phù sa từ sông Mê Kông đổ về làm hạn chế hiện tượng xói lở dọc bờ biển. Đặc biệt, các chu kỳ lũ hàng năm từ sông Mê Kông giúp ĐBSCL đẩy mặn, rửa phèn, cải tạo đất và qua đó cải thiện năng suất nông nghiệp. Ngoài ra, tương tự như các quốc gia khác trong lưu vực, sông Mê Kông còn là nguồn cung cấp nước tưới tiêu và thủy sản chính cho các tỉnh ĐBSCL của Việt Nam. Nhờ những ưu thế này, hàng năm  ĐBSCL đã đóng góp gần 60% sản lượng gạo và thủy sản cho Việt Nam dù chỉ chiếm khoảng 30%  tổng diện tích của cả nước (GSO, 2010).

Tầm quan trọng của sông Mê Kông đối với 6 quốc gia trong lưu vực là điểu không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do sức ép của phát triển kinh tế, thiếu sự đồng thuận về lựa chọn chiến lược phát triển bền vững, các nước trong lưu vực đã và đang khai thác triệt để các nguồn lợi từ hệ thống sông Mê Kông nhằm phục vụ các ưu tiên phát triển của mình. Hoạt động phát triển kinh tế thiếu bền vững đã làm hình thái của sông Mê Kông thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt sau những năm 1980. Theo đó, hàng ngàn hồ chứa, đập dâng, trạm bơm đã được xây dựng trên các dòng nhánh để sản xuất thủy điện, lấy nước phục vụ tưới tiêu và các nhu cầu khác của phát triển kinh tế. Phía thượng nguồn dòng chính, Trung Quốc đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện với quy mô công suất lớn. Ở hạ nguồn, 12 đập thủy điện bậc thang cũng đang được đệ trình xây dựng, chưa kể các dự án chuyển nước từ sông Mê Kông về vùng Đông Bắc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của Thái Lan đã được bàn luận đến trong nhiều năm qua. Việt Nam cũng phát triển tối đa hệ thống thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, định cư và giao thông thủy. Tất cả những kiến tạo đó đã, đang và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến sông Mê Kông và các hệ sinh thái trong lưu vực về nguồn nước, phù sa và sự sinh tồn của các loài thủy sản.

ĐBSCL được đánh giá là vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hoạt động phát triển kinh tế thiếu bền vững ở thượng nguồn. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, chiến lược phát triển trên hệ thống sông Mê Kông của các quốc gia trong lưu vực sẽ đặt ĐBSCL trước một thách thức lớn trong việc duy trì nguồn nước, phù sa và nguồn lợi thủy sản nhằm đảm bảo duy trì hệ sinh thái đất ngập nước, năng xuất sản xuất nông nghiệp và sinh kế của hơn 18 triệu người sinh sống trong vùng.

Nhận thức được tầm quan trọng của dòng Mê Kông đối với tương lai phát triển của khu vực, năm 1995, Việt Nam cùng Campuchia, Lào và Thái Lan đã ký kết Hiệp định Mê Kông về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông. Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định này là các đề xuất phát triển trên dòng chính sông Mê Kông của các quốc gia thành viên phải được thông qua cơ chế tham vấn, thông báo trước và minh bạch thông tin. Theo đó, chính phủ các quốc gia trong lưu vực phải hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng đối thoại, trao đổi với các bên liên quan trong nội bộ mỗi nước như chính quyền và nhân dân địa phương để tìm tiếng nói chung cho các quyết định phát triển. Trong bối cảnh đó, với vai trò là một bên tham gia quan trọng, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam nói chung và ở khu vực ĐBSCL nói riêng cần được cung cấp thông tin, tăng cường hiểu biết, thực hiện các đánh giá độc lập để có thể tham gia mạnh mẽ hơn đối với các chiến lược, kế hoạch phát triển trên hệ thống sông Mê Kông, nhằm góp phần bảo vệ lợi ích cộng đồng, quốc gia và sự phát triển hài hòa trong lưu vực. Đây là những lý do chính mà PanNature tổ chức Hội thảo tập huấn “Chiến lược phát triển trên hệ thống sông Mê Kông: Bối cảnh, tác động và các chính sách thích ứng”.

Hội thảo được tổ chức trong 02 ngày 22 và 23 tháng 6 năm 2012 tại thành phố Cần Thơ. Giảng viên của khóa tập huấn là các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, quản trị tài nguyên nước, phát triển thủy điện, nông nghiệp và tài nguyên môi trường. Học viên tham dự bao gồm 50 đại diện từ các cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng làm việc trong các lĩnh vực liên quan từ 12 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL và phụ cận. Sau khóa  tập huấn này, PanNature sẽ tiếp tục phối hợp với các học viên và tổ chức tham gia để có thể triển khai các hoạt động nghiên cứu, thông tin, tăng cường năng lực và chính sách liên quan đến vấn đề giám sát phát triển ở khu vực Mê Kông.

Ảnh: PanNature.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

Phần I: Các chiến lược phát triển trên hệ thống sông Mê Kông: Bối cảnh và tác động

Tổng quan các chiến lược và kế hoạch phát triển trên lưu vực sông Mê Kông
Th.S Trần Thị Thanh Thủy, PanNature

Chiến lược phát triển thủy điện trên hệ thống sông Mê Kông và tác động đối với ĐBSCL
TS. Lê Anh Tuấn – Trường ĐH Cần Thơ

Phát triển nông nghiệp, thủy lợi và các áp lực về nguồn nước trong lưu vực sông Mê Kông
TS. Lê Phát Qưới – Viện Môi trường và Tài nguyên

Hoạt động phát triển, vấn đề suy thoái nguồn nước và các tác động đối với hệ sinh thái lưu vực sông Mê Kông
TS. Lê Phát Qưới – Viện Môi trường và Tài nguyên

Thảo luận nhóm: Đánh giá tác động tiềm ẩn của phát triển trên lưu vực sông Mê Kông đối với Việt Nam và các ưu tiên cần giải quyết đối với ĐBSCL.

Phần 2:  Sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong phát triển lưu vực Mê Kông

Giới thiệu về Hiệp định Mê Kông 1995: Nguyên tắc và cơ chế tham gia của các tổ chức xã hội dân sự
TS. Lê Anh Tuấn – Trường ĐH Cần Thơ

Sự tham gia và kinh nghiệm của một số tổ chức xã hội dân sự của các quốc gia khác  trong việc thúc đẩy phát triển bền vững  lưu vực sông Mê Kông
Ông Trịnh Lê Nguyên – PanNature

Phần 3:  Xây dựng ý tưởng nghiên cứu và đánh giá chính sách ở khu vực ĐBSCL

Chính sách công và vai trò của XHDS
Th.S Trần Thị Thanh Thủy, PanNature

Phương pháp luận, các bước và công cụ cần thiết  trong  quá trình phân tích và đánh giá chính sách
Th.S Trần Thị Thanh Thủy, PanNature

Xác định nội dung ưu tiên cho hoạt động giám sát, phản biện và vận động chính sách phát triển vùng lưu vực Mê Kông của tổ chức xã hội dân sự khu vực ĐBSCL

Giới thiệu về các cơ hội tài trợ và chương trình hỗ trợ nghiên cứu chính sách của PanNature

Xây dựng các ý tưởng đề xuất nghiên cứu chính sách theo nội dung ưu tiên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia