Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây tỉnh Yên Bái. Nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1000m so với mặt nước biển, đây là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái, trong đó người Mông chiếm đến 90% dân số. Trải qua bao thăng trầm khó khăn, vất vả của cuộc sống mưu sinh, đồng bào người Mông  vẫn gắn bó thủy chung với thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc xinh đẹp này qua bao thế hệ.

Những năm gần đây, vẻ đẹp của Mù Cang Chải đã được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn bởi với thiên nhiên hoang sơ, nét đặc sắc của văn hóa bản địa và sự lôi cuốn của những cung đường quanh co đến các bản làng người Mông…

Nếu như trước đây khách đến Mù Cang Chải chủ yếu là những người bận công tác hay thăm viếng người thân, nay có thêm nhiều khách du lịch nước ngoài, các đoàn khách trong nước đi “phượt”, các nhiếp ảnh gia, các nhà nghiên cứu và các nhà đầu tư. Đây chính là cơ hội để phát triển ở loại hình du lịch sinh thái dựa  vào cộng đồng.

IMG_3017

Huyện Mù Cang Chải cũng là nơi có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải rộng trên 20.000ha, cánh rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất vùng Tây Bắc. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải, Dế Xu Phình,  tạo thành một vòng cung nhờ một hệ thống núi cao từ 1.700 – 2.500m bao quanh xã Chế Tạo và vùng đầu nguồn của sông Nậm Chải,  rừng phòng hộ lưu vực hệ thống sông Đà.

Nơi đây có tính đa dạng cao về thực vật và một số loài động vật  thuộc diện quí hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó đặc biệt có loài vượn đen tuyền. Bên cạnh đó rừng ở đây còn là nơi lưu giữ nguồn gen các loài cây dược liệu quý như đẳng sâm, hà thủ ô, sa  nhân… khí hậu ở đây khá đặc biệt mùa hè rất mát còn mùa đông thì rất lạnh. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn đối với du khách.

Đồng bào người Mông ở đây còn gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống , đó là các phong tục cưới hỏi, ma chay và lễ hội mang những nét đặc sắc riêng của đồng bào như lễ hội cơm mới, Tết truyền thống của người Mông (trước tết Nguyên đán 1 tháng).

Trong những ngày tết, đồng bào người Mông thường tổ chức đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, hội Gầu tào, ném pao…Thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, kèn môi, ném pao, hát đúm. Ngày tết còn có ý nghĩa là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái. Đi vào sâu trong các bản làng du khách có thể tham quan khung cảnh làng bản người Mông nằm ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m.

Trải qua hàng đời gắn bó với vùng núi cao Mù Cang Chải, người Mông đã đúc kết được những phương thức sinh sống khá độc đáo, thích ứng với điều kiện ở nơi đây như kinh nghiệm làm ruộng bậc thang và một số nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức…

Điểm hấp dẫn nhất đối với du khách khi đến với Mù Cang Chải đó là được thỏa thích ngắm nhìn ruộng bậc thang và chụp ảnh. Hệ thống ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải với diện tích khoảng 700ha tập trung chủ yếu ở 3 xã  La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia. Tháng 10 dương lịch hàng năm là tháng lúa chín rộ, đây cũng là mùa đẹp nhất trong năm ở Mù Cang Chải nên thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.

Anh MCC

Tuy nhiên du lịch ở đây mới mang tính sơ khai, tự phát chưa có quy hoạch và chiến lược cụ thể của các cấp chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch sinh thái dựa cộng đồng phát triển và mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho người dân địa phương, thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan đến ngành du lịch cần quan tâm tiến hành một số hoạt động cụ thể  như:

1.  Khảo sát, kiểm kê tài nguyên du lịch, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch tập trung chủ yếu vào các nguồn tài nguyên du lịch sẵn có như:

–  Ruộng bậc thang tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình.

–  Các làng bản, văn hóa truyền thống của người Mông: Các lễ hội, trang phục, tập quán, làng nghề….

– Quy hoạch không gian du lịch cho phép nhằm phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu, nghiên cứu về đa dạng sinh học và tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên trong khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.

2. Xây dựng trung tâm quảng bá và xúc tiến du lịch để tăng cường  phát triển và quảng bá các tour, tuyến và sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Mù Cang Chải.

3. Đầu tư xây dựng  mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước, các công trình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực miền núi và các hoạt động  bảo vệ cảnh quan, môi trường thiên nhiên.

4. Hướng dẫn cho người dân phát triển du lịch sinh thái thông qua việc liên kết tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ tại địa phương: mô hình homestay, dịch vụ thuê xe đạp hoặc xe máy, hướng dẫn viên bản địa, sản phẩm làng nghề thủ công (các sản phẩm thổ cẩm, khèn, các sản phảm chế tác từ nghề rèn, các sản phẩm chế biến từ táo mèo, thảo quả, đẳng sâm, cho khách tham gia cùng trồng, gặt lúa, làm nương rẫy hay dựng nhà…).

Để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng, tạo được những bước đột phá phát triển du lịch sinh thái ở Mù Cang Chải ngoài những nội dung trên cần có những giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi như xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, chính sách ưu đãi về vốn vay, về thuế cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự  án du lịch, nhất là đối với các dự án phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở những khu vực có nhiều tiềm năng, nhưng còn khó khăn về cơ sở hạ tầng và về nguồn nhân lực.

Chính quyền địa phương và các cơ quan ngành du lịch cần tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như nguồn lực trong nhân dân, đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư du lịch; Tăng cường hỗ trợ tài chính và xã hội hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm xây dựng sản phẩm và hình ảnh đặc trưng của Mù Cang Chải.

Với xu thế phát triển du lịch sinh thái và văn hóa đang lan rộng khắp các vùng miền trong cả nước và tầm nhìn đến năm 2030 của ngành du lịch Việt Nam thì trong tương lai, loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng của Mù Cang Chải chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển và cùng với các điểm du lịch  nổi tiếng như  Mai Châu – Hòa Bình, Sapa – Lào Cai, Mộc Châu – Sơn La….tạo nên một không gian du lịch văn hóa và sinh thái rộng lớn, hấp dẫn của miền núi Tây Bắc Việt Nam, là nơi để tôn vinh thêm vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Lê Thị Thúy Vinh – Tổ chức FFI Việt Nam

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia