Cùng với xu hướng tự do hóa trong thương mại và đầu tư quốc tế, toàn cầu hóa và khu vực hóa, cũng như sự hội nhập sâu sắc của cộng đồng chung ASEAN, các dòng vốn luân chuyển, tìm đến các thị trường mới giàu tiềm năng hơn. Cũng nằm trong xu hướng đó, trong thập kỷ qua, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài không ngừng gia tăng. Theo thống kê của Cục Quản lý Đầu tư Nước ngoài, tính đến 31/12/2012, đã có tổng cộng 719 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 29,23 tỷ đô la Mỹ, trong đó vốn của các nhà đầu tư Việt Nam là 12,87 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, lưu vực sông Mê kông là nơi tiếp nhận đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Sự dịch chuyển nguồn vốn ra nước ngoài là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế sau gần 3 thập kỷ đổi mới, cũng là minh chứng cho sự hội nhập sâu sắc của Việt Nam vào các tiến trình khu vực và quốc tế. Trong khu vực Mê Kông, dòng đầu tư từ Việt Nam đã và đangcó nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của các nước bạn. Tuy nhiên, như đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng còn gặp nhiều tồn tại và hạn chế. Bên cạnh các rủi ro về kinh tế, môi trường kinh doanh, luật pháp và văn hóa của nước sở tại, v.v. có nhiều khía cạnh khác về môi trường – xã hội chưa được doanh nghiệp và các nhà đầu tư chú ý, tính toán đầy đủ.
Trong cơ cấu đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên thiên nhiên (phát triển thủy điện, khai khoáng, cây công nghiệp và khai thác lâm sản) chiếm một tỷ trọng rất lớn. Các loại hình dự án này thườngcó nguy cơ gây nhiều tác động tiêu cực đến tài nguyên, hệ sinh thái và cộng đồng sở tại. Trong bối cảnh luật pháp của các nước sở tại ngày càng thắt chặt; nhận thức của cộng đồng ngày càng được cải thiện; và cơ chế cho sự giám sát của các tổ chức ngoài nhà nước ngày càng được mở rộng, doanh nghiêp Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong việc đảm bảo sự an toàn cho hoạt động đầu tư. Trong trường hợp không đảm bảo tuân thủ các chính sách môi trường xã hội của nước sở tại và giải quyết được các xung đột với cộng đồng địa phương, doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ thất bại.
Các dự án đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là dự án khai thác tài nguyên, còn có thể gây những tác động ngược không mong muốn đối với Việt Nam. Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia vào nhiều thỏa thuận và công ước quốc tế, bao gồm các cam kết liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên. Việc quản lý không tốt các hoạt động thương mại và đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế và qua đó có thể làm giảm vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực.
Câu hỏi được đặt ra là nên cải thiện hệ thống chính sách quản lý như thế nào để giảm thiểu các tác động không mong muốn từ các dự án đầu tư ra nước ngoài, nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm – qua đó xây dựng hình ảnh một Việt Nam thịnh vượng, thân thiện, có trách nhiệm. Để cùng thảo luận về vấn đề này, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài (VAFIE), Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (VILACAED), Tổ chức Forest Trends và Tạp chí Đầu tư Nước ngoài tổ chức diễn đàn này nhằm chia sẻ thông tin về thực trạng và các giải pháp chính sách để nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường của các dự án đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Mục tiêu
- Chia sẻ thông tin và quan điểm của các bên liên quan về vấn đề đầu tư nước ngoài và giảm thiểu tác động lên tài nguyên, môi trường, xã hội.
- Thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm giúp quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên thông qua cải thiện chính sách và khuyến khích áp dụng các chuẩn mực tốt trong đầu tư ra nước ngoài.
Thời gian: Ngày 10 tháng 5 năm 2013
Địa điểm: Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Các đại biểu từ Myanmar, Lào, Cambodia tại diễn đàn. Ảnh: PanNature.
CÁC BÀI TRÌNH BÀY TRONG DIỄN ĐÀN
Thực trạng về FDI và ODI của Việt Nam
- Các chính sách quản lý và thực trạng đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài – Cục Quản lý Đầu tư nước ngoài
- Hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội khu vực tam giác phát triển CLV – Ts. Cao Văn Bản, VILACAED
- Phát triển bền vững và đầu tư nước ngoài – Gs. Nguyễn Mại, VAFIE
Tác động môi trường – xã hội từ hoạt động đầu tư
Chủ đề I: Đầu tư trong khai khoáng và thủy điện
- Sự tham gia của Việt Nam trong phát triển thủy điện lưu vực sông Mê Kông ¬– Ông Nguyễn Nhân Quảng, CIWAREM/PanNature
- Phát triển thủy điện lưu vực 3S và tác động đối với cộng đồng ¬– Ông Meach Mean, 3SPN
- Khía cạnh tác động môi trường và cộng đồng ở các dự án thủy điện Xekaman (Lào): Một số đề xuất và kiến nghị cho nhà đầu tư – Bà Tania Lee, Tổ chức Sông ngòi Thế giới
Chủ đề II: Đầu tư trong lâm nghiệp – đất đai
- Đầu tư của Việt Nam vào Lào qua góc nhìn của thương mại gỗ – Ts. Tô Xuân Phúc, Forest Trends
- Đầu tư đất quy mô lớn ở Campuchia: Cơ chế và tác động – Ông Siphat Touch, Cambodia
- Cạnh tranh đầu tư khai thác tài nguyên trong khu vực Mê Kông và những hệ lụy – Ông Ratana Pen, Heinrich Böll Stiftung
Quản lý tốt hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài
- Tuyên bố chính sách của Ngân hàng Phát triển châu Á – Ông Nguyễn Duy Thắng, ADB
- Các khuyến khích đầu tư bền vững và cơ hội cho doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam – Ông Christoph Schill, EuroCham
- Nguyên tắc Xích đạo và các chuẩn mực tự nguyện trong quản lý đầu tư – Ông Trịnh Lê Nguyên, PanNature
Báo cáo – Hình ảnh
- Báo cáo Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông II
- Báo cáo video về Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông II
- Tin truyền hình về Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông II