Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Từ thảm họa môi trường do nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra đã cảnh tỉnh chúng ta phải có phương án ứng phó cũng như đánh giá lại công tác quản lý môi trường, ưu tiên phát triển kinh tế xã hội về mặt dài hạn. Đã đến lúc cần phải bàn luận về những giải pháp để trả lại môi trường và sinh kế cho người dân trong thời gian trước mắt cũng như ngăn chặn những nguy cơ tương tự có thể xảy ra về lâu dài.

Những việc cần làm trước mắt

Trong thời gian vừa qua, bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương đã tiến hành quan trắc môi trường ven biển liên tục. Trong trường hợp đã đủ thông tin, số liệu để khẳng định chất lượng môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn, Chính phủ cần có thông báo chính thức để người dân yên tâm sinh hoạt, kinh doanh, đánh bắt thủy hải sản.  Nếu môi trường chưa đảm bảo, cần ưu tiên công tác xử lý môi trường một cách triệt để. Đặc biệt là phát hiện và triệt tiêu các nguồn thải độc hại ra biển.

 Đoàn công tác của bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khảo sát trực tiếp nơi xử lý nước thải của Formosa hôm 28.4 (Ảnh: Văn Định - Tuổi Trẻ)

Đoàn công tác của bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khảo sát trực tiếp nơi xử lý nước thải của Formosa hôm 28.4 (Ảnh: Văn Định – Tuổi Trẻ)

Bên gây ra thảm họa phải có trách nhiệm đền bù sinh kế cho người dân. Cần nhấn mạnh rằng những hỗ trợ trong thời gian vừa qua của Chính phủ và các cá nhân, tổ chức là mang tính chất hỗ trợ nhân đạo, ứng cứu khẩn cấp. Việc đền bù sinh kế mất mát do thảm họa này là mang tính pháp lý và đầy đủ. 

Song song với các hành động này, Chính phủ cần tổ chức đánh giá một cách toàn diện về thiệt hại kinh tế, sinh kế cộng đồng, tác động lên môi trường sinh thái từ thảm họa.

Ở góc độ đền bù và khắc phục hậu quả, tuy hệ thống pháp lý khác nhau nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào những vụ việc đã xảy ra và được xử lý trên thế giới để bắt buộc bên gây ra thảm họa phải chịu trách nhiệm. Nguyên tắc được công nhận rộng rãi “người gây ô nhiễm phải trả tiền (Polluter pays principle) đã được ghi nhận chính thức vào Hiến pháp 2013 (khoản 3, điều 63). Với việc đã điểm mặt, chỉ tên được thủ phạm của thảm họa này, kẻ gây ô nhiễm sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả cho các khoản bồi thường thiệt hại về sinh kế, kinh tế cũng như chi phí xử lý, phục hồi môi trường.   

Ứng phó về mặt lâu dài 

Cho đến nay, cả nước có 299 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế biển, 12 nhiệt điện than đang vận hành và có thể còn nhiều hơn nữa trong tương lai. Bên cạnh đó là việc thiếu kiểm soát, xử lý những nguồn thải nông nghiệp, sinh hoạt. Hầu hết lượng chất thải của chúng ta lần lượt sẽ được xả ra biển theo nhiều con đường khác nhau. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì môi trường ven biển của chúng ta đã bị ô nhiễm, đầu độc một cách mãnh liệt trong hàng chục năm qua, song song với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Vì thế, nguy cơ xảy ra những sự cố, thảm họa môi trường trong tương lai tương tự như vừa qua hoàn toàn có thật. 

 Hình ảnh Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: VietNamNet)

Hình ảnh Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: VietNamNet)

Thứ nhất, cần có chính sách và hệ thống ứng phó với thảm họa môi trường, lấy bài học kinh nghiệm từ ứng phó thiên tai mà Việt Nam đã làm khá tốt. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 đã có đề cập đến ứng phó, xử lý sự cố môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này được nêu khá rải rác trong luật và cũng chưa có một hướng dẫn cụ thể. Chính phủ cần giao bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chính sách cụ thể về phòng chống, ứng phó sự cố, thảm họa môi trường. Cũng cần nhấn mạnh việc phân biệt sự cố (ở phạm vi và quy mô nhỏ hơn) và thảm họa để có hành động một cách phù hợp. Với các trường hợp thảm họa, nhất thiết phải có chỉ đạo, điều phối ở cấp cao nhất trong ứng phó và xử lý. 

Khác với thiên tai, thảm họa môi trường thường liên quan đến yếu tố con người. Do đó, chính sách ứng phó, xử lý cũng cần tính đến các quá trình pháp lý nhằm đảm bảo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm sau sự cố, thảm họa. Kinh nghiệm từ các vụ việc tương tự trên thế giới cho thấy đây không phải là vấn đề đơn giản nếu không cẩn trọng trong khía cạnh pháp lý. Luật pháp luôn có kẽ hở và các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm có nguồn lực lớn hoàn toàn có thể sử dụng các kẽ hở này nhằm lảng tránh trách nhiệm pháp lý. 

Thứ hai, bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan cần rà soát, kiểm tra, đánh giá lại công tác quản lý môi trường ở hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và các nhà máy nhiệt điện. Đây có thể là mầm mống của các sự cố, thảm họa nếu không được theo dõi, giám sát một cách thường xuyên, chặt chẽ. 

Thứ ba, Chính phủ cần đảm bảo đầu tư đầy đủ cho hệ thống quan trắc môi trường, các cơ sở nghiên cứu khoa học có đủ điều kiện xét nghiệm, kiểm tra mẫu. Bên cạnh đó, phải có biện pháp bắt buộc các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp lắp đặt và vận hành các hệ thống xử lý môi trường. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều nơi chưa thực hiện một cách nghiêm túc yêu cầu này. Thậm chí, kể cả có lắp đặt thì vẫn diễn ra tình trạng vận hành một cách đối phó nhằm cắt giảm chi phí tối đa.

Thảm họa môi trường vừa qua để lại nhiều bài học đắt giá cho chúng ta. Ở một góc độ khác, đây là cơ hội để Chính phủ cải tổ công tác quản trị môi trường một cách triệt để, tích cực hơn.

Thứ tư, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với vai trò là công cụ dự báo, hạn chế nguy cơ gây hại lên môi trường, cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Cho đến nay, công cụ này vẫn được sử dụng một cách hình thức, thiếu thực chất và chưa thực sự giúp ích cho công tác quản lý môi trường. Các báo cáo ĐTM, theo luật, phải được công khai rộng rãi. Với sự phổ biến và dễ tiếp cận của mạng Internet hiện nay, bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan địa phương hoàn toàn có thể công khai các báo cáo này một cách dễ dàng. Việc công khai báo cáo ĐTM và kế hoạch quản lý môi trường của từng dự án sẽ giúp cho người dân, các cơ quan, tổ chức quan tâm có điều kiện theo dõi, giám sát môi trường. Bên cạnh đó, việc công khai báo cáo cũng sẽ gia tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, tăng cường chất lượng báo cáo và công tác thẩm định báo cáo. 

Tham vấn người dân và các bên liên quan trong ĐTM phải được thực hiện một cách thực chất, có ý nghĩa hơn, đúng theo tinh thần của Luật Bảo vệ Môi trường cũng như quyền môi trường đã được nêu trong Hiến pháp. Hiện nay, như rất nhiều trường hợp đã chỉ ra, việc tham vấn hầu hết được làm rất sơ sài và mang tính đối phó. Phải khẳng định rằng người dân có quyền được biết, được tham gia và tham vấn vào quá trình ra quyết định đối với các dự án có liên quan đến đời sống của họ, cũng như những tác động mà dự án có thể gây ra lên môi trường, sinh kế. Việc tham vấn đầy đủ, có ý nghĩa ngay từ trong quá trình ĐTM cũng sẽ giảm thiểu rủi ro về trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan trong tương lai khi bản thân người dân đã được tham gia vào quá trình ra quyết định. 

Bài học từ vụ việc cá chết hàng loạt 

Bước ra hòa nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới với xuất phát điểm rất thấp, Việt Nam đã phải chấp nhận đánh đổi để phát triển. Đã đến lúc phải thừa nhận rằng “hàng rào” môi trường của chúng ta quá thấp. Cũng một doanh nghiệp, tập đoàn đó, họ sẽ phải ứng xử khác nếu hoạt động ở các quốc gia nghiêm khắc với các yêu cầu về môi trường. Một khi chúng ta hạ chuẩn, họ chẳng ngại ngần gì để sử dụng cơ hội đẩy chi phí môi trường ra bên ngoài – đặc biệt đối với các nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế mới nổi, khi bản thân ở quốc gia họ các chuẩn mực pháp lý cũng như đạo đức về môi trường, xã hội cũng không cao hơn của chúng ta bao nhiêu. 

Người dân các vùng biển miền Trung lao đao vì cá chết hàng loạt (Ảnh: Nld.com.vn)
Người dân các vùng biển miền Trung lao đao vì cá chết hàng loạt (Ảnh: Nld.com.vn)

Bài học thứ hai đó là về năng lực và trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở. Trong cuộc đua tăng trưởng cấp tỉnh, như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận xét, chính quyền địa phương sẵn sàng làm mọi cách để níu kéo nhà đầu tư. Hạ chuẩn hoặc thậm chí bỏ qua yêu cầu về quản lý môi trường cũng là một cách. Với các dự án quy mô lớn, phức tạp thì việc trao quyền quản lý, giám sát cho chính quyền địa phương nhiều khi là quá sức do đội ngũ cán bộ chưa có đủ kinh nghiệm, trình độ, bản lĩnh để có thể thực hiện tốt chức năng được giao. Chưa kể đến những mối lợi trước mắt nhiều khi quá lớn đối với những địa phương có nền kinh tế vốn khiêm tốn và ít dư địa phát triển.   

Trong cuộc đua tăng trưởng cấp tỉnh, như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận xét, chính quyền địa phương sẵn sàng làm mọi cách để níu kéo nhà đầu tư. Hạ chuẩn hoặc thậm chí bỏ qua yêu cầu về quản lý môi trường cũng là một cách.

Bài học thứ ba là trong việc ứng phó với thảm họa ở quy mô lớn cần có một cơ chế điều phối tập trung, thống nhất từ trung ương. Ứng phó, xử lý sự cố, thảm họa môi trường đòi hỏi nguồn lực khoa học, kỹ thuật, chuyên môn mà trong nhiều trường hợp phức tạp, không thể áp dụng nguyên tắc “tại chỗ”. Vụ việc vừa qua cho thấy sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan trung ương, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã giúp quá trình xác minh nguyên nhân một cách rõ ràng. 

Cuối cùng, việc đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong khủng hoảng cần được làm tốt hơn để tránh nhiễu, gây hoang mang cho người dân. Một khi thiếu các thông tin thường xuyên, chính thức và đầy đủ, tin đồn và những thông tin không kiểm chứng sẽ làm xáo trộn xã hội, có nguy cơ gây bất ổn, làm mất lòng tin của người dân. Trong thế giới được bao phủ bởi nhiều tầng nấc thông tin và sự phổ biến của mạng xã hội như hiện nay, để xảy ra việc thiếu cập nhật thông tin chính thức là điều không đáng có. 

Thảm họa môi trường vừa qua để lại nhiều bài học đắt giá cho chúng ta. Ở một góc độ khác, đây là cơ hội để Chính phủ cải tổ công tác quản trị môi trường một cách triệt để, tích cực hơn. Nhu cầu phát triển kinh tế, gia tăng của cải là thiết yếu nhưng không phải là bài toán đánh đổi phũ phàng kiểu “chọn cá hay chọn thép”. Cuối cùng thì phát triển vẫn phải phục vụ sự thịnh vượng, phồn vinh của toàn xã hội chứ không phải những con số phần trăm tăng trưởng trên báo cáo! 

Trịnh Lê Nguyên (Trung tâm Con người và Thiên nhiên)

Bài viết đăng trên báo Người đô thị ngày 4/7/2016.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia