Trải qua hàng ngàn năm lịch sử chống chọi và sống chung với những khắc nghiệt của thiên nhiên, Việt Nam đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm để ứng phó với thiên tai, thảm họa. Công tác phòng chống thiên tai cũng đã được luật hóa với Luật phòng, chống thiên tai do Quốc hội thông qua vào năm 2013. Hệ thống tổ chức, điều phối, triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai được xây dựng một cách đầy đủ, bài bản và trong các trường hợp cụ thể đã thể hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến hiện tại chúng ta lại không được chuẩn bị để đối phó với các sự cố, thảm họa môi trường ở quy mô lớn, có nguyên nhân do tác động của con người.
Sau hơn 30 năm phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, quá trình đánh đổi môi trường, tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã bộc lộ nhiều mặt trái rõ rệt. Chất lượng môi trường xuống cấp nghiêm trọng ở những khu vực phát triển công nghiệp một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát. Sự kiện cá chết hàng loạt tại miền Trung trong năm 2016 là một trường hợp để chúng ta đánh giá lại các hành động ứng phó, có các điều chỉnh về chính sách, quy trình nhằm đáp ứng những thách thức tương tự trong tương lai.
Bản tin Chính sách kỳ này sẽ tập trung thảo luận các khía cạnh xung quanh chính sách và thực tiễn trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục các sự số, thảm họa môi trường. Trong đó, đánh giá rủi ro môi trường, quản lý rủi ro môi trường cũng được đề cập bên cạnh các bài viết bàn về vai trò của người dân trong giám sát môi trường và việc xây dựng bộ chỉ số nhằm đánh giá nỗ lực BVMT của các địa phương. Chúng tôi hy vọng những thảo luận này sẽ góp phần vào quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách của các cơ quan hữu quan.
Mời quý vị đọc trực tuyến:
Hoặc download tại Đây
Một số văn bản chính sách tài nguyên – môi trường nổi bật ban hành trong quý II/2016