Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Nằm ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có một dải rừng tự nhiên 1.175 ha thuộc 4 bản: Bó Nhàng 2, Pa Cốp, Chua Tai và Hua Tạt, tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò (tỉnh Hòa Bình). Mặc dù nằm ngoài diện tích các khu rừng đặc dụng và bị tác động mạnh bởi các hoạt động kinh tế xã hội, rừng tự nhiên Vân Hồ vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị tự nhiên độc đáo, cung cấp nguồn lâm sản ngoài gỗ và nguồn gỗ chính cho các hộ gia đình tại bản sử dụng trong sinh hoạt. Đây còn là nơi sinh sống của quần thể vượn đen má trắng – vốn là loài nguy cấp đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Dải rừng Vân Hồ

Trong số 4 bản, Pa Cốp có số lượng hộ nghèo lớn nhất (gần 40%), hầu hết là đồng bào H’Mông. Người dân nơi đây vẫn duy trì thói quen sử dụng củi từ nhiều đời nay để đun nấu, sưởi ấm, hong sấy thực phẩm để tích trữ, luộc vải làm quần áo. Bếp củi truyền thống sử dụng kiềng sắt kê lên củi đốt, thường không kiểm soát được khói bụi trong nhà và rủi ro cháy nổ cao trong mùa khô. Loại bếp này chỉ có thể tận dụng được 10-15% lượng nhiệt tỏa ra nên rất tốn củi. Ước tính, một hộ gia đình có thể sử dụng đến 10 m3 củi một năm, đặc biệt vào 3 tháng tết có thể tiêu thụ đến 5 m3 củi, gây áp lực không nhỏ lên tài nguyên gỗ rừng đang ngày càng suy kiệt.

Bếp củi truyền thống của người dân

Nhằm giảm sức ép vào rừng từ việc khai thác củi của người dân, đồng thời hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng đời sống, PanNature lên kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi từ sử dụng bếp củi truyền thống sang bếp tiết kiệm củi. Ước tính, việc sử dụng bếp tiết kiệm củi có thể giúp giảm tới 60% lượng củi đốt, tiết kiệm tới 35% thời gian gom củi, nhóm bếp và đun nấu, ít khói bụi hơn so với bếp truyền thống nên giảm được các bệnh về phổi và đường hô hấp, hạn chế rủi ro hỏa hoạn và tai nạn lao động, tận dụng được nhiều loại chất đốt, phụ phẩm nông nghiệp. Mỗi gia đình sử dụng bếp cải tiến có thể tiết kiệm tới 1,5 tấn củi mỗi năm, tương đương độ che phủ của một diện tích rừng không nhỏ. 

Các số liệu về hiệu quả của mô hình chuyển đổi bếp củi này được rút ra từ thực tế dự án mà PanNature thực hiện khi hỗ trợ đồng bào người H’Mông tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La năm 2010. Theo đó, hơn 30 hộ được PanNature hỗ trợ chuyển đổi bếp đến nay vẫn duy trì sử dụng loại bếp cải tiến này vì tính hiệu quả khi cần đun nấu trong thời gian dài.

Bếp cải tiến

Với kế hoạch hỗ trợ người dân tại Vân Hồ làm quen, xây dựng và sử dụng bếp tiết kiệm củi, PanNature hy vọng sẽ đóng góp vào công tác bảo vệ rừng, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm phụ thuộc vào rừng, duy trì mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Chương trình “Cải tiến bếp củi – Góp sức giữ rừng” hiện đang huy động vốn từ cộng đồng, các cá nhân hảo tâm thông qua nền tảng GiveNow. Nguồn vốn sẽ hỗ trợ ít nhất 50% hộ dân khó khăn nhất tiếp cận và sử dụng bếp tiết kiệm củi, thay đổi hành vi sử dụng tài nguyên, làm động lực thay đổi cho các hộ còn lại trong bản. Đồng thời, nguồn vốn cũng hỗ trợ hoạt động tuyên truyền cho người dân về bếp tiết kiệm củi, lồng ghép kiến thức về môi trường và bảo vệ rừng.

Các tổ chức, cá nhân hảo tâm tài trợ cho chương trình chung tay cùng chúng tôi TẠI ĐÂY.

Trân trọng cảm ơn sự đồng lòng của Quý vị!

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia