Luật Khoáng sản 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, là dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật cũng bộc lộ những vướng mắc trong quá trình quản lý hoạt động khai khoáng. Vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật đã được đặt ra từ đầu năm 2020 và hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi). Luật mới được kỳ vọng sẽ thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản, giảm thiểu tác động môi trường và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
Là cơ quan điều phối của Liên minh Khoáng sản (LMKS), kể từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã thực hiện nhiều nghiên cứu về quản trị tài nguyên khoáng sản theo hướng chia sẻ công bằng lợi ích và giảm thiểu tác động môi trường; về các vấn đề còn bất cập trong quy định pháp luật và thực tiễn ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam; cũng như về các bài học, sáng kiến quản trị ngành khai thác trên thế giới…
Trong bối cảnh xây dựng Luật Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản thay thế Luật Khoáng sản 2010 và hoàn thiện Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, PanNature hệ thống lại các nghiên cứu và khuyến nghị đã thực hiện trong lĩnh vực khai thác khoáng sản kể từ khi LMKS được thành lập đến nay với mong muốn đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những sửa đổi sắp tới.
Mời Quý độc giả tải tài liệu TẠI ĐÂY hoặc xem trực tuyến ở bản dưới đây.