Báo cáo “Giảm thiểu rác thải nhựa trong nông nghiệp thông qua ứng dụng tri thức bản địa” mô tả chi tiết hoạt động và kết quả đạt được của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) sau hơn 1 năm thực hiện Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong nông nghiệp áp dụng tri thức bản địa tại Sơn La do Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment) tài trợ thông qua Liên minh Không chất thải Việt Nam (Zero Waste Vietnam Alliance).
Bên cạnh việc khảo sát tình trạng phát thải rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Vân Hồ và xã Xuân Nha, dự án còn hỗ trợ người dân ở bản Thín, xã Xuân Nha thực hiện mô hình trồng xoài, mô hình canh tác lúa và phát triển nghề mây tre đan theo hướng áp dụng tri thức bản địa và giảm thiểu sử dụng nhựa.
Với mô hình trồng xoài, dự án hỗ trợ 21.000.000 đồng để 02 hộ xây 04 bể ủ phân và bể ủ vi sinh, mua men vi sinh và mua giỏ tre để vận chuyển xoài. Sau gần 3 tháng, 02 hộ sản xuất được 12m3 phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp và phân bò, đủ cung cấp cho 4 ha xoài, thay thế hoàn toàn phân bón hóa học và giảm sử dụng 12 kg bao bì phân bón mỗi năm, đồng thời giảm 8 kg rác thải nhựa từ việc sử dụng giỏ tre. Về lợi ích kinh tế, việc sử dụng phân hữu cơ giúp tiết kiệm khoảng 8.000.000 đồng/hộ/năm, còn việc sử dụng giỏ tre và tận dụng nguồn rơm, rạ thay vì mua bọc xốp bằng nilon giúp giảm 255.000 đồng/hộ/năm.
Với mô hình canh tác lúa, dự án hỗ trợ 12 hộ xây khu nhà làm nấm chung (80 m2) từ nguồn rơm, rạ, sau đó tận dụng lượng giá thể trồng nấm sau thu hoạch để ủ phân hữu cơ và bón lại cho lúa, giúp tiết kiệm 4.500.000 đồng tiền mua phân hoá học mỗi vụ và giảm 3 kg túi nhựa. Đặc biệt, mô hình tận dụng được 500 kg rơm rạ mỗi vụ nấm, giúp giảm phát thải khí nhà kính từ việc đốt rơm, rạ. Tổng thu nhập và tiết kiệm hàng năm từ mô hình trồng nấm lên tới 42.000.000 đồng, trong đó, tổng chi phí trồng nấm định kỳ hàng năm là 10.000.000 đồng, tổng lợi ích kinh tế hàng năm là 32.000.000 đồng.
Với mô hình phát triển nghề mây tre đan, dự án hỗ trợ Nhóm “Tre Bản Thín” mua 01 máy tuốt đan tre (16.500.000 đồng), giúp tuốt mây tre đan nhanh gấp 20 lần và tăng năng suất đan giỏ, tăng thu nhập cho người làm nghề, hạn chế sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.
Chi tiết báo cáo vui lòng xem tại đây.