Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Ghi nhận nhiều thực vật quý hiếm ở rừng tự nhiên Kon Pne

Chuyến khảo sát  và đánh giá nhanh các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao ở khu rừng tự nhiên xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai do cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện từ 30/7 đến ngày 3/8 năm 2024 đã ghi nhận được nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Khảo sát được thực hiện trên diện tích rừng do UBND xã Kon Pne tạm quản lý và một khu rừng đã giao cho cộng đồng làng với sự tham gia của tổ bảo vệ rừng cộng đồng 3 làng Kon Ktonh, Kon Hleng và Kon Kring của xã Kon Pne.

Khu vực rừng tự nhiên xã Kon Pne là dải rừng lớn có diện tích hơn 3.200 ha, nằm ở độ cao từ 800 – 1500m so với mực nước biển. Đây là khu vực rừng gồm 2 kiểu rừng chính là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm cận nhiệt đới núi thấp và kiểu rừng hỗn hợp cây lá rộng lá kim, ẩm á nhiệt đới núi thấp, rất phong phú các loài động thực vật đặc trưng của Tây Nguyên.

Một góc khu vực rừng tự nhiên xã Kon Pne

Quá trình điều tra khảo sát đã phát hiện sự có mặt một loạt những loài động thực vật quý hiếm cấp quốc gia, được bảo vệ trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP và cấp quốc tế trong Danh lục đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN. Khu vực rừng tự nhiên xã Kon Pne còn có nhiều loài cây gỗ quý như Giáng hương, Trắc, Sưa, Giổi, Re, Xá xị… Nhiều loài thực vật quý hiếm khác đã ghi nhận được qua điều tra thực địa gồm:

Tuế lược (Cycas pectinata): Loài thuộc nhóm các loài hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại (Nhóm IIA) theo  Nghị định 84/2021/NĐ-CP, cấp VU (Sắp bị tuyệt chủng) theo IUCN. Gặp rải rác ở độ cao từ 780 – 1070m, trên các khu vực rừng thưa lẫn lồ ô hay ở vách đá ven suối. Cây lớn, cao tới hơn 3m. Có cây thân phân nhánh.  Loài cây này bị người dân địa phương đào những cây nhỏ mọc trên đất gần nương rẫy mang về trồng làm cảnh.

Tuế lược (Cycas pectinata)
Tuế lược (Cycas pectinata), cây lớn.

Lan hài táo (Paphiopedilum appletonianum): Thuộc nhóm các loài nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại (Nhóm IA) theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, cấp EN (Đang  bị tuyệt chủng) theo IUCN. Gặp duy nhất một cây ở độ cao 1200m trên vách đá gần dông núi. Ngoài ra ở tại xã Kon Pne có hộ dân trồng một loài lan Hài gần giống với lan Hài táo là Hài vân nam (Paphiopedilum callosum) đang ra hoa. Những loài lan Hài này từng bị người dân địa phương thu hái để bán.

Lan Hài táo (Paphiopedilum appletonianum).
Lan Hài vân nam (Paphiopedilum callosum) trồng ở xã Kon Pne.

Lan Kim tuyến (Anoectochilus lylei): Thuộc Nhóm IIA của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP. Loài này xuất hiện hầu hết ở rừng tự nhiên ở 3 làng của xã Kon Pne, mọc rất rải rác trên mặt đất ở độ cao trên 800 m. Loài bị người dân địa phương thu hái nhiều để bán làm thuốc bổ, rất có giá trị.

Lan Kim tuyến (Anoectochilus lylei).

Một số loài phong lan thuộc chi Hoàng thảo (Dendrobium), đều nằm trong Nhóm IIA của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP. Cùng với Thiên tuế lược, lan Hài vân nam thì các loài lan thuộc chi Hoàng thảo chưa được đề cập đến trong ấn phẩm “Đa dạng sinh học tại hành lang Kon Ka Kinh – Kon Chư Răng, huyện Kbang”, do PanNature và GreenViet công bố năm 2019.

Tại rừng tự nhiên xã Kon Pne đã bắt gặp các loài Hoàng thảo nhất điểm hoàng (Dendrobium cariniferum), Hoàng thảo hương duyên (Dendrobium ellipsophyllum),  Hoàng thảo thủy tiên (Dendrobium palpebrae) ở độ cao trên 1000m. Theo phỏng vấn người địa phương thì ở xã Kon Pne còn có các loài Hoàng thảo Đơn cam (Dendrobium unicum) mọc ven suối và lan Bạch hỏa hoàng (Dendrobium bellatulum) mọc trên thân cây Thông đà lạt. Các loài Hoàng thảo có hoa chùm lớn, màu sắc sặc sỡ, rất được ưa chuộng làm cảnh, nên bị khai thác để trồng tại chỗ hay bán ra ngoài, dẫn đến cạn kiệt nguồn gen quý trong rừng và đe dọa sự tồn vong của các loài này tự nhiên.

Hoàng thảo hương duyên (Dendrobium ellipsophyllum)
Hoàng thảo hương duyên (Dendrobium ellipsophyllum)
Hoàng thảo thủy tiên (Dendrobium palpebrae).

Bách xanh núi đất (Calocedrus macrolepis): Thuộc Nhóm IIA nghị định 84/2021/NĐ-CP, cấp NT (Gần bị tuyệt chủng) theo IUCN. Loài này được người dân mang cây con về trồng trong làng và gọi là Trắc bách diệp. Trong chuyến khảo sát không phát hiện được cây Bách xanh trong rừng tự nhiên, nhưng theo người dân địa phương, loài này từng có ở rừng xung quanh một số làng, hiện vẫn còn những cây Bách xanh nhỏ chưa bị khai thác.

Bách xanh núi đất (Calocedrus macrolepis) trồng trong vườn ở xã Kon Pne.

Thông đà lạt (Pinus dalatensis): Thuộc nhóm IIA nghị định 84/2021/NĐ-CP, cấp NT (Gần bị tuyệt chủng) theo IUCN. Cây mọc vượt tán ở một số dông núi tại Kon Pne ở độ cao trên 1.100m. Người dân địa phương thường gọi nhầm là Thông đỏ.

Dông núi có Thông đà lạt (Pinus dalatensis).

Những loài động vật quan sát và ghi nhận ở rừng tự nhiên xã Kon Pne trong quá trình khảo sát gồm:

Sóc bay trâu (Petaurista petaurista): Là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP và cấp độ LC (Ít bị đe dọa) theo Danh lục đỏ IUCN. Nơi quan sát được loài này là khu rừng rậm có độ cao 1011m, tại khu vực rừng UBND xã quản lý, bảo vệ.

Sóc bay trâu (Petaurista petaurista).

Bắt gặp nhiều dấu chân loài Mang, có thể là Mang thường (Muntiacus muntjak) ở độ cao 968m trong khu vực rừng UBND xã giáp ranh với rừng VQG Kon Ka Kinh. Loài Mang thường được đánh giá ở cấp độ LC (Ít quan tâm) trong Danh lục đỏ IUCN.

Dấu chân loài Mang

Trong rừng tự nhiên của xã Kon Pne, theo thông tin của người dân đi rừng ở đây, có loài Vượn đen má hung (Nomascus gabriellae). Đây là loài linh trưởng quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng được bảo vệ nghiêm ngặt trong Nhóm IB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP và được đánh giá là Đang bị đe dọa (EN) theo Danh lục đỏ IUCN. Theo phỏng vấn người dân địa phương, ở gần làng, tại khu vực rừng quanh UBND xã Kon Pne từng nghe thấy tiếng hót của Vượn vào các buổi sáng khi trời không mưa. Hiện nay Vượn chỉ có thể thấy ở khu vực rừng ở xa làng, phía giáp với tỉnh Kon Tum.

Khu vực ghi nhận của cộng đồng về sự xuất hiện của Vượn.

Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea): Theo phỏng vấn người dân địa, khi họ đi rừng, một số người dân đã thấy 5-6 cá thể Chà vá chân xám chuyền cành ở khu vực ven suối thuộc rừng cộng đồng, giáp ranh với Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Loài Voọc này thuộc danh mục bảo vệ nghiêm ngặt trong Nhóm IB của Nghị định 84/2021/NĐ-CP và được đánh giá ở mức Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Danh lục đỏ IUCN.

Khu vực nơi từng xuất hiện Chà vá chân xám.

Rừng tự nhiên ở xã Kon Pne như vậy là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, cần được bảo tồn ở cấp quốc gia cũng như quốc tế. Chuyến khảo sát đã cung cấp những bằng chứng rõ ràng về đa dạng sinh học của khu vực rừng tự nhiên xã Kon Pne làm cơ sở cho việc xác định khu vực này như một khu vực bảo tồn ngoài phạm vi các khu bảo vệ (OECM).

Nguyễn Bá Thẩm, Nguyễn Đức Tố Lưu, Trần Văn Sử – Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia