Ngày 15 tháng 07 năm 2017, tại Đà Nẵng, Viện Sinh thái học Miền Nam (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đồng tổ chức hội thảo khoa học về “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” nhằm góp thêm tiếng nói của các nhà khoa học về giá trị đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững.
Tham dự hội thảo có hơn 190 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, các đại biểu quốc hội, các nhân sĩ trí thức, cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng; các viện nghiên cứu và trường đại học: Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển, Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Duy Tân, Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế TP Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN); Hội Động vật học Frankfurt (Đức), Quỹ Bảo tồn Chà vá Quốc tế, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet), Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam; lãnh đạo một Vườn quốc gia, các nhà khoa học và các chuyên gia thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học, rừng, kinh tế, xã hội, kiến trúc, xây dựng.
Sau khi nghe các báo cáo và tham luận, các đại biểu đã nhất trí bán đảo Sơn Trà thực sự là một vùng sinh thái đặc thù của Việt Nam và cho rằng Thủ tướng Chính phủ cần quy định việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học là mục tiêu quan trọng nhất mang tính chiến lược ưu tiên của bán đảo Sơn Trà. Các đại biểu tham dự đã thống nhất ý kiến và gửi Thư kiến nghị tới:
- Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
- Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng
- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Trong Thư kiến nghị này các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp ưu tiên trước mắt để bảo tồn bán đảo Sơn Trà bao gồm:
- Giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở Sơn Trà. Không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch. Tháo ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép. Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp chống trôi đất xuống biển trước mùa mưa bão 2017
- Kiến nghị UBND Đà Nẵng và chính phủ không quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia để ưu tiên tập trung cho quy hoạch Bán đảo Sơn Trà thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
- Thành lập đoàn kiểm tra đánh giá hiện trạng các dự án đầu tư trên báo đảo Sơn Trà để có các biện pháp chấn chỉnh và cải hiện hiệu quả của hoạt động du lịch
- Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, nghiên cứu có thể thành lập Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Hải Vân – Sơn Trà.
- Việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà có một thuận lợi hết sức to lớn, đó là công tác bảo tồn nằm ngay trong khu vực chiến lược an ninh quốc gia. Sơn Trà hiện đang thực thi nhiệm vụ kiểm soát không lưu và cảnh báo sớm toàn bộ vùng nước Biển Đông, vịnh Bắc Bộ và không phận Đông Nam Á, vì vậy vai trò của quốc phòng đối với vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên thiên đa dạng sinh học của Bán đảo Sơn Trà là rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế và giữ gìn bảo vệ an ninh, an toàn xã hội bền vững.
Tài liệu Hội thảo
Hiện trạng tài nguyên Đa dạng sinh học trên cạn ở bán đảo Sơn Trà
Lưu Hồng Trường – Viện Sinh thái học Miền Nam – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Hiện trạng quần thể Voọc Chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà
Hà Thăng Long, Bùi Văn Tuấn, Trần Hữu Vỹ – Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học nước V iệt Xanh (GreenViet)
Hiện trạng đa dạng sinh học ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà
Nguyễn Xuân Hòa – Viện Hải dương học
Đánh giá nguồn thức ăn của Chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà
Vũ Ngọc Thanh – Tổ chức Bảo tồn Chà vá (DLF)
Sự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu BTTN Sơn Trà
Nguyễn Văn Tập – Hội Dược liệu & BV.YHCT. Thành phố Đà Nẵng
Lê Khắc Quyết – IUCN/SSC Primate Specialist Group
Để Sơn Trà trở thành điểm đến du lịch độc đáo
Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng
Báo cáo Đánh giá khoa học quản lý nhà nước về bán đảo Sơn Trà
Phạm Viết Thuận – Viện kinh tế Tài nguyên và Môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng kiến thành lập Khu sinh quyển Thế giới “Sơn Trà – Nam Hải Vân” tại Đà Nẵng
Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục môi trường, ĐHSP Hà Nội; Chủ tịch UBQG MAB Việt Nam
Tăng cường thể chế quản lý cho bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà
Nguyễn Việt Dũng – Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)
Rừng và vấn đề tài nguyên nước Bán đảo Sơn Trà đối với đời sống người dân TP. Đà Nẵng
PGS.TS. Võ Văn Minh – Trưởng nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy “Môi trường & TNSV” – Đại học Đà Nẵng
Nên quản lý Sơn Trà như thế nào?
TS.Nguyễn Chí Thành – Phó Chủ tịch Hội đất ngập nước Việt Nam – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước – Nguyên Phân viện trưởng Phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam bộ
Tầm nhìn các nguyên nhân gây tác động lên cộng đồn sinh thái đới biển Sơn Trà
Công ty EPT – EcoDesign
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam