Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Học đi đôi với hành: Câu chuyện thay đổi của các thúc đẩy viên

Năm 2018, khi mới ghi danh đăng ký một lớp tập huấn về kỹ năng thúc đẩy, Phúc thoạt tưởng rằng nó sẽ giống như mọi khóa học khác mà anh đã tham gia từ khi về công tác tại một công ty lâm nghiệp ở Huế. Nhưng những trải nghiệm của gần một tuần “học và hành” đã khiến Phúc quyết tâm không bỏ lỡ bất kỳ một buổi nào trong cả chuỗi tập huấn kéo dài suốt ba năm sau này.

Trần Hữu Phúc là một trong số hai mươi học viên đầu tiên của một chuỗi 05 khóa học dành cho cán bộ nguồn (ToT) và cán bộ thực hành (ToP) đến từ các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý lâm nghiệp hoặc có liên quan tới quản trị rừng do Dự án Tiếng nói vì rừng Mê Kông (V4MF) tổ chức.

Vài người tự đăng ký, người khác được lãnh đạo cử đi, phần nhiều trong số họ không mang theo kỳ vọng quá lớn. “Mình chỉ nghĩ nó cũng giống những chương trình tập huấn khô khan nào đó thôi”, Phúc chia sẻ khi nhớ lại. Tuy nhiên, sau 05 ngày tham gia với các hoạt động tương tác khác nhau như chia nhóm thảo luận, trò chơi nhập vai, đi thực địa,… Phúc lại cảm thấy lưu luyến khi phải chia tay lớp học để quay về với công việc. “Mình đặc biệt ấn tượng với phương pháp tổ chức và phương pháp giảng dạy. Cách truyền đạt của các thầy khác với những khóa tập huấn khác ở điểm cho mình được tham gia rất nhiều, bởi vậy mình ngấm kiến thức ngay và nhớ lâu hơn.” Cảm nhận của Phúc về khóa tập huấn cũng được nhiều học viên chia sẻ. 

Phúc (áo kẻ xanh trắng) và các học viên khác trong một hoạt động nhóm

Giống như Phúc, Phạm Thụy Thùy Trâm cũng đã từng có mặt trong không ít chương trình nâng cao năng lực trước đây. Nhưng khác với những trải nghiệm chỉ “ngồi yên một chỗ để nghe lý thuyết”, Trâm được tương tác, thảo luận cùng với giảng viên và các học viên khác trong lớp và ứng dụng kỹ năng vào thực tế. “Nhiều điều ở đây mình đã được học trong trường đại học rồi, nhưng vẫn chưa có cơ hội để chuyển hóa kiến thức trong sách vở thành kiến thức của mình”, Trâm nói. “Mỗi lần BTC tạo điều kiện cho tụi mình đi thực hành tại địa phương, mình nhận ra rất nhiều vấn đề mình chưa có cơ hội được đào sâu. Chính quá trình học và thực hành đó đã giúp mình củng cố kiến thức, hiểu hơn và vận dụng nó tốt hơn.”

Phạm Thụy Thùy Trâm (thứ hai từ phải sang) tin rằng quá trình học và thực hành trong chuỗi tập huấn đã giúp cô củng cố kiến thức và vận dụng tốt hơn trong công việc.

Là người phụ trách đào tạo của một Nhóm Sáng tạo trẻ tại Bến Tre, Trâm đã theo gần như toàn bộ các khóa tập huấn trong chuỗi để tìm cách áp dụng vào công việc cần nhiều kỹ năng dẫn dắt, truyền cảm hứng của mình. Ở đây, cô gái mới ngoài 20 đã gặp rất nhiều những người anh, người chị lớn tuổi hơn. Họ làm những công việc rất khác nhau, người là cán bộ nhà nước, người làm tại khu bảo tồn, người đến từ các tổ chức phi chính phủ, người khác lại thuộc khối doanh nghiệp. Họ cũng giữ những vị trí khác nhau trong tổ chức, cơ quan mình, khi không chỉ cán bộ, nhân viên mà có không ít những gương mặt đã ở cấp quản lý trong nhiều năm. Với những xuất phát điểm, nền tảng khác biệt là thế, điều gây bất ngờ cho chính họ là tất cả vẫn rất hòa đồng để cùng hướng tới mục tiêu chung của lớp học.

“Điều mình thích nhất ở khóa tập huấn này là việc tất cả mọi người đều có tiếng nói và được quyền thể hiện khả năng của mình. Điều mình đang nghĩ, đang làm đều được mọi người tôn trọng.” – anh Trần Trọng Nghiệp, cán bộ xã Tà Bhing (huyện Nam Giang, Quảng Nam) chia sẻ.

Với Trần Trọng Nghiệp (ngồi giữa), điều anh thích nhất ở khóa tập huấn là việc tất cả mọi người đều có tiếng nói và được quyền thể hiện khả năng của mình.

Một trong những “nội quy” đầu tiên mà Ban Tổ chức đưa ra cho các học viên là “tôn trọng sự đa dạng”. Với Nghiệp, một người dân tộc Cơ Tu, điều này có ý nghĩa lớn hơn phạm vi một khóa học. “Mình là người đại diện cho cộng đồng và mình thấy cách này cực kỳ hiệu quả. Khi cộng đồng có thể đưa lên tiếng nói, quan điểm của mình và quan điểm ấy được tôn trọng, thì mình sẽ có cơ sở để giải quyết xung đột giữa các bên dễ dàng, nhẹ nhàng và êm thấm hơn.”

Khi quyền lợi của cộng đồng được tôn trọng

Những gì Nghiệp nhắc tới là một phần của bài học về sự “đồng thuận”. Khác với việc từ này đã được sử dụng vô thức nhiều lần, ý nghĩa thực sự của “đồng thuận” phức tạp hơn thế, nhất là khi đặt vào mối quan hệ, tương tác giữa các bên khác nhau trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội nói chung và câu chuyện bảo tồn rừng nói riêng. Có một thực tế là trong rất nhiều dự án tác động tới tài nguyên thiên nhiên được triển khai, tiếng nói của những người yếu thế như cộng đồng sống gần rừng hoặc người dân tộc thiểu số thường không được lắng nghe hoặc thực sự tôn trọng. Trong một số trường hợp, tuy việc tham vấn cộng đồng cho kết quả “đồng thuận”, cộng đồng bị buộc phải chấp nhận mà thiếu đi sự tự nguyện, hoặc không được cung cấp đầy đủ thông tin hay thời gian để cân nhắc. Khi những quyền lợi căn bản nhất của cộng đồng không được đáp ứng, mâu thuẫn sẽ xảy ra như một tất yếu. Mà mâu thuẫn dù bùng nổ hay âm ỉ tích tụ cũng là nguồn cơn cho những thất bại trong việc kêu gọi người dân đồng lòng, chung tay giữ rừng và bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên.

Các khóa tập huấn giúp Nghiệp và các học viên khác hiểu rằng đồng thuận chỉ thực sự có được khi cộng đồng được trao quyền để nói “có” hoặc “không” trước bất kỳ một dự án hay chính sách nào có tác động tới họ. “Với mình, tiếng nói của những người yếu thế luôn là điều mà chúng ta cần nhìn nhận và là khía cạnh nhất định cần tôn trọng để hướng tới sự hài hòa chung trong mọi vấn đề của xã hội.”

Một buổi thực hành tiếp xúc cộng đồng của các học viên với người dân xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Từ việc hiểu và tôn trọng quyền lợi của cộng đồng, các học viên cũng nhận ra họ đã hành động khác đi.

Trần Huy Thông là một cán bộ kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh (nay là Vườn Quốc gia Sông Thanh – Quảng Nam). Giữ trách nhiệm tại một khu vực mà tài nguyên thiên nhiên còn khá đa dạng phong phú, Thông tự nhận rằng công việc của anh “chịu rất nhiều áp lực”. “Không chỉ người địa phương đâu, nhiều người ở tỉnh thành khác người ta cũng vào lấy tài nguyên thiên nhiên của Khu Bảo tồn. Nên là mình phải thường xuyên họp để tuyên truyền, vận động bà con không phát nương làm rẫy, không lấy gỗ hay săn bắt ĐVHD. Nhưng người dân cứ lấy lý do là tôi nghèo quá nên mới phải vô rừng.”

“Ai cũng nói nghèo, rồi mỗi người lấy một cây thì rừng còn đâu,” Thông nghĩ. Nhưng sau các khóa tập huấn, cách anh ứng xử với người dân đã khác. “Trước đây mình rất cứng rắn, nhưng giờ mình biết cùng lời lẽ như thế, nếu mình nói mềm mỏng thì nó có sức tác động hơn nói răn đe rất nhiều. Thấy người ta xách cái cưa vào rừng, giờ mình chỉ nhẹ nhàng khuyên họ đi về đi nhưng người ta vẫn nghe mình hơn.”

Triết lý “đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân địa phương” chính là cốt lõi của chính sách lâm nghiệp cộng đồng mà Nhà nước đang hướng tới hiện nay. Thực tế cho thấy có rất nhiều khu rừng được bảo vệ không phải bởi những thiết chế pháp luật hay cơ quan quản lý của Nhà nước, mà nhờ những luật tục truyền thống của cộng đồng địa phương như hương ước giữ rừng, các lễ cúng rừng thiêng,… Thông tư 28/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định một trong các nguyên tắc để quản lý rừng bền vững là tôn trọng và thừa nhận quyền truyền thống của đồng bào đối với đất rừng, tài nguyên rừng.

“Đồng bào đã sử dụng nguồn tài nguyên từ rừng hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Chỉ cho tới khi cơ chế thị trường phát triển, điều đó mới phá vỡ cách sử dụng truyền thống của đồng bào,” theo ông Hoàng Xuân Thủy,  nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), một trong các giảng viên của chuỗi tập huấn. “Bởi vậy, nên nhìn nhận lại việc coi cộng đồng địa phương như những người chỉ tạo tác động xấu tới rừng. Kỳ thực, họ có thể mang lại những sự thay đổi rất lớn, và cũng cần là những người được hưởng lợi đầu tiên từ các nỗ lực giữ rừng.”

Ông Hoàng Xuân Thủy, một trong các giảng viên chính của chuỗi tập huấn

Chuỗi tập huấn đã được nhen nhóm xây dựng từ những niềm tin như vậy. Trách nhiệm giữ rừng không phải chỉ của Nhà nước, và chỉ một mình Nhà nước cũng “giữ rừng không xuể”. Khi đặt quyền lợi của cộng đồng, những người gần rừng, hiểu rừng nhất ở trung tâm, “cộng đồng sẽ tin tưởng để tham gia, gắn kết vào công tác quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học một cách tự nhiên nhất.”

Tuy đa dạng về thành phần, những người được lựa chọn tham gia các lớp đào tạo ít nhiều có một điểm chung: Công việc của họ liên quan đến rừng, hoặc cộng đồng những người sống dựa vào tài nguyên từ rừng. Bởi vậy, nội dung đào tạo được thiết kế để các học viên sẽ trở thành đội ngũ thúc đẩy viên trong tương lai đóng góp vào quản trị rừng bền vững tại Việt Nam. Ngoài những công cụ để đảm bảo tiếng nói, nguyện vọng của người dân được lắng nghe, học viên cũng được trau dồi các kỹ năng để thúc đẩy sự tham gia của các bên khác nhau vào hoạt động quản trị rừng.

Các học viên chụp ảnh lưu niệm cùng cộng đồng trong buổi thực địa tại xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

“Khi phải làm khảo sát đánh giá doanh nghiệp gỗ, người trồng rừng và các đối tượng khác, mình mới nhận ra là trước đây chủ yếu chỉ tiếp xúc với người dân trong cộng đồng. Vậy nên khi cần phỏng vấn lãnh đạo như các giám đốc, phó giám đốc tại doanh nghiệp gỗ, phòng nông nghiệp hay bên kiểm lâm thì rất ngại,” anh Nguyễn Hồng Văn, cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ chia sẻ khi nghĩ về thời gian trước khi tham gia khóa học. “Trước đây cứ phỏng vấn lãnh đạo là mình phải nhờ sếp giúp. Nhưng từ những kỹ năng học được tại khóa tập huấn, mình đã cảm thấy tự tin hơn và việc này cũng ‘không có gì ghê gớm lắm’.”

Anh Nguyễn Hồng Văn chia sẻ về những kết quả đã đạt được sau khóa học

Trở thành phiên bản tốt hơn từ công việc tới đời sống

Cũng từ các buổi tập huấn, Văn đã cải thiện hiệu quả công việc bằng cách áp dụng kỹ năng vào hoạt động xây dựng kế hoạch giám định đánh giá chính sách phát triển gỗ của ban tư vấn tại cơ quan mình. Trong khi quá trình này lúc trước, theo Văn quan sát, chỉ như “viết báo cáo từ đầu đến cuối”, anh bắt đầu việc lập kế hoạch bằng một khung logic để làm sườn đề cương, sau đó mới bổ sung nội dung chi tiết và kêu gọi mọi người trong ban cùng làm việc nhóm để đóng góp ý kiến hoàn thiện.

“Ban cũng thấy phương pháp của mình hơi khác so với truyền thống, vì mọi người chưa làm theo những cái như khung logic, bảng tiến độ bao giờ,” Văn nhớ lại. “Nhưng nó rất rõ ràng với từng hoạt động, từng thời gian, từng sản phẩm phải hoàn thành, người thực hiện,… nên anh em trong ban cũng thấy hay.”

Không chỉ ở những hoạt động, trách nhiệm cụ thể, quá trình trở thành phiên bản tốt hơn trong công việc của họ cũng đến theo những cách khác nhau. Với Trần Huy Thông, việc trình bày trước mọi người không còn là một trải nghiệm “muốn khóc” khi anh “chẳng biết nói gì”. Thay vào đó, Thông “tự nhiên thấy mình mạnh dạn, tự tin hơn trước đám đông” khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng hay bày tỏ quan điểm trong các cuộc họp. Trong khi đó, Trần Trọng Nghiệp định nghĩa sự tự tin ở việc dám phản hồi khi thấy những quyết định chưa hợp lý, dù tới từ cấp trên trong một môi trường còn nhiều khuôn khổ vô hình. Không còn chấp nhận “trên bảo dưới nghe” hay “thực thi một chiều”, Nghiệp sau quá trình tập huấn khẳng định “nếu biết là sai thì mình sẽ không làm. Trước đây có nhiều lúc mình cứ chạy ào ào cho kịp chương trình mà mất cái khâu kiểm tra đi. Nhưng giờ mình không như thế nữa, vì nó không thể đảm bảo hiệu quả công việc.”

Là Điều phối Dự án tại GreenViet, một tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Hoàng Hải Sơn đã áp dụng nhiều kỹ năng học được để triển khai các chương trình mà tổ chức anh đang theo đuổi. Nhưng một trong những thành quả ấn tượng nhất với Sơn sau chuỗi tập huấn lại là kỹ năng quản trị xung đột trong tình yêu. Bởi suy cho cùng, mối quan hệ giữa hai người phản ánh những điều cơ bản nhất của mối quan hệ giữa một tập thể, hay rộng hơn là giữa một cộng đồng hay các cộng đồng khác nhau.

“Mới yêu thì mọi thứ rất đẹp, nhưng khi hai người có nhiều trao đổi hơn, thể hiện quan điểm nhiều hơn, nhiều điều có thể dẫn tới cãi vã rồi chia tay,” Sơn bộc bạch. “Mình đã áp dụng kỹ năng được học để đạt sự đồng thuận và lắng nghe. Mình phải ‘cung cấp đầy đủ thông tin’ về cách mình hiểu cho người kia và tìm hiểu tại sao người kia lại như thế. Khi đó hai người sẽ dễ dàng đạt được sự đồng thuận hơn, tình yêu sẽ bền vững và vượt qua nhiều sóng gió.”

Hoàng Hải Sơn (áo xanh than, hàng dưới cùng) trong chuyến thực địa cùng nhóm học viên tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Ba năm đã qua với giảng viên chính của tập huấn, ông Vũ Hữu Thân – Điều phối viên Đào tạo Chương trình Quốc gia RECOFTC Việt Nam, là một hành trình mà ở đó “thành quả lao động đã được đơm hoa kết trái”. “Nhiều bạn chia sẻ với chúng tôi rằng họ không thể kể hết những kỹ năng mà họ đã áp dụng từ đây vào thực tiễn công việc và cuộc sống. Điều đó chứng tỏ rằng chúng đã trở thành bản năng thứ hai của các bạn và các bạn không nhận ra khi áp dụng chúng nữa. Rồi các bạn sẽ tiếp tục làm cho gia đình, cơ quan của các bạn trở thành những nơi tốt đẹp hơn.”

Ông Vũ Hữu Thân trong một buổi tập huấn

Là người đồng hành với nhiều lứa học viên trong các hoạt động cải thiện quản trị rừng, chứng kiến quá trình thay đổi của họ từ góc độ cá nhân tới công việc, ông Thân hiểu rằng còn nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội đang ở phía trước. “Tôi biết các bạn có thể phải chịu rất nhiều rào cản, khi mỗi người chỉ là những mắt xích vô cùng nhỏ bé trong một hệ thống lớn hơn. Nhưng các bạn là những tác nhân có thể sẽ gây ảnh hưởng, thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi của những người xung quanh cho tới thay đổi cả một chính sách. Đó là một chặng đường không dễ, nhưng tôi vẫn đặt niềm tin vào các bạn.” – Ông Thân khẳng định.

Dự án V4MF (Voices for Mekong Forests – Tiếng nói vì Rừng Mê Kông) hướng tới tăng cường sự tham gia của các tổ chức ngoài công lập trong cải thiện quản trị rừng ở khu vực Mê Kông. Dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU), Dự án được triển khai trên quy mô vùng và bao quát 5 quốc gia thuộc 3 vùng cảnh quan vùng Mê Kông (Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam).

Tại Việt Nam, PanNature là đối tác địa phương thực hiện dự án cùng Tổ chức RECOFTC và WWF. Từ năm 2018 đến tháng 10 năm 2020, Dự án V4MF đã thực hiện 5 khóa tập huấn cho cán bộ nguồn (ToT) và khóa tập huấn cho cán bộ thực hành (ToP), gồm: (1) Kỹ năng thúc đẩy trong đào tạo; (2) Lồng ghép giới trong Lâm nghiệp; (3) Tăng cường quyền hưởng dụng rừng cho Quản trị tốt; (4) Quản lý xung đột có sự hợp tác; (5) Đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, trước và được thông tin đầy đủ.

 

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia