Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia – Pà Cò nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình trên địa phận 6 xã: Pà Cò, Hang Kia, Tân Sơn, Bao La, Cun Pheo và Piềng Vế, với tổng diện tích 5.258 ha, trên độ cao từ 800 đến 1.500 m. Khu BTTN này được xác lập từ năm 1997, nằm trên khu vực núi đá vôi điển hình có giá trị đa dạng sinh học cao.
Điều tra năm 2009 tại đây ghi nhận 35 loài thực vật bị đe dọa theo Sách Đỏ Việt Nam (2007); 16 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP về các loài động thực vật rừng, đông vật rừng nguy cấp, quý hiếm; 11 loài được xếp trong Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Red List). Điển hình là các loài loài cây lá kim quý hiếm như Thông Pà Cò, Thông đỏ, Pơ mu, Dẻ tùng, Thông tre và loài gỗ giá trị như Trai lý.
Rừng tự nhiên Vân Hồ thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là một dải rừng tự nhiên có diện tích hơn 1.000 ha, nằm cùng trên một dãy núi đá vôi nối liền với Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò (xem hình trên). Rừng Vân Hồ hiện được phân loại là rừng phòng hộ, có chức năng chính là bảo vệ đất, nước, điều hòa khí hậu, hạn chế thiên tai, được giao cho cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ và khai thác. Mặc dù là một khu rừng có diện tích không lớn, nằm ngoài các khu rừng đặc dụng đã có và bị tác động mạnh bởi các hoạt động kinh tế xã hội của đồng bào địa phương, rừng tự nhiên Vân Hồ vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị đa dạng sinh học độc đáo. Trong đó, có nhiều loài thực vật đang bị đe doạ tuyệt chủng như Thông Pà Cò, Thông đỏ bắc, Bách xanh đá, Nghiến, Trai lý, các loài Lan kim tuyến, v.v.
Đặc biệt, vào năm 2020, khảo sát đa dạng sinh học do PanNature thực hiện tại khu vực rừng tự nhiên của xã Vân Hồ đã xác nhận sự tồn tại của quần thể Vượn đen má trắng thông qua ghi âm tiếng hót và phỏng vấn người dân địa phương, gồm khoảng 12-13 cá thể sinh sống theo 3 đàn, với ít nhất một con non. Quần thể Vượn này đã di chuyển quanh các xã Lóng Luông và Vân Hồ từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, do sinh cảnh rừng bị tác động và chia cắt mạnh nên 3 đàn Vượn hiện đã tập trung sinh sống tại một khu rừng nhỏ ở xã Vân Hồ. Quần thể Vượn này còn tồn tại được là nhờ có sự bảo vệ nhất định của cộng đồng người H’Mông bởi theo truyền thuyết của cộng đồng, Vượn là linh vật không được săn bắt.
Mặc dù địa phận hành chính thuộc hai tỉnh khác nhau, hai khu vực trên có nhiều đặc điểm tương đồng về mặt đa dạng sinh học và yếu tố dân số, văn hóa. Các bản quanh rừng có hơn 95% là đồng bào người H’Mông, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 16-18%, thu nhập bình quân khoảng 28 triệu/năm với nguồn thu chính từ sản xuất nông nghiệp. Người H’Mông có truyền thống du canh du cư, đốt nương làm rẫy, canh tác các loài cây nông nghiệp ngắn ngày, dẫn đến tình trạng phát vén đất rừng, rừng bị phân mảnh và chia cắt tại cả hai khu vực. Mặc dù hiện nay nhận thức của người dân đã cải thiện, cùng với các hỗ trợ phát triển sinh kế thay thế bền vững giúp hạn chế nạn phá rừng, diễn thế tái sinh tự nhiên của rừng sẽ cần một khoảng thời gian dài trong bối cảnh áp lực phát triển và gia tăng dân số vẫn còn tiếp diễn nếu không có sự can thiệp của con người.
Bên cạnh Dự án INSPiRE VIETNAM với sự hỗ trợ tài chính của Hiệp hội Bảo tồn Ngoại cảnh Châu Âu (EOCA) nhằm phục hồi rừng tự nhiên Vân Hồ trong giai đoạn 2022-2023, Chương trình “Vá rừng trên núi đá” được phát triển nhằm hướng tới nỗ lực mở rộng sinh cảnh và bảo tồn hiệu quả các loài động thực vật quý hiếm thông qua kết nối hành lang rừng Vân Hồ tới Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò. Dự kiến trong ngắn hạn, chương trình sẽ hỗ trợ vườn ươm cộng đồng nhân giống các giống cây rừng bản địa, cung cấp cho các hoạt động trồng phục hồi rừng, tiến hành các hoạt động phục hồi rừng tự nhiên tại huyện Vân Hồ, đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng hướng tới lối sống dung hòa giữa con người và thiên nhiên.
Chương trình được thực hiện thông qua nguồn vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp có chung mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái. Chương trình cũng xây dựng và vận hành các kênh huy động vốn từ cộng đồng, các cá nhân hảo tâm thông qua ví điện tử Momo, VNPay và ViettelPay. Quý tổ chức, cá nhân mong muốn tài trợ cho chương trình, vui lòng liên hệ với PanNature qua email contact@nature.org.