Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông lần III với chủ đề “Tác động phát triển và hướng thích ứng trong lĩnh vực nông lâm nghiệp ở khu vực Mê Kông” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)  phối hợp với ADDA, Trung tâm Nông lâm Thế giới (ICRAF) và Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia (VILACAED) tổ chức đã diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 6 tại Hòa Bình. Diễn đàn là nơi chia sẻ các vấn đề, mối quan tâm, bài học, kinh nghiệm và các góc nhìn về ngành nông nghiệp và lâm nghiệp trong bối cảnh thích ứng với những thay đổi môi trường ở nhiều cấp độ khác nhau; và thảo luận, thúc đẩy các lựa chọn cũng như cách tiếp cận phát triển tốt hơn nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống, đảm bảo sự bền vững cho môi trường. Tham dự Diễn đàn có khoảng 100 đại diện đến từ các cộng đồng và tổ chức xã hội từ các quốc gia Hạ nguồn Mê Kông, các viện nghiên cứu, cơ quan khoa học, các cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông và các bên có cùng mối quan tâm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thương mại tự do, sự gia tăng ảnh hưởng của khối tư nhân với nhiều biến động như hiện nay, các quốc gia hạ lưu Mê Kông đang phải chịu tác động từ những thay đổi do sự cạnh tranh địa chính trị, các xu hướng phát triển, suy thoái môi trường và khủng hoảng khí hậu. Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội nhìn chung đang có cải thiện, giữa các nhóm và cộng đồng khác nhau vẫn còn tồn tại những khoảng cách về mục tiêu phát triển công bằng, bình đẳng và bền vững. Tuy nhiên, ngay ở cấp cơ sở, vẫn có những bước chuyển đầy hy vọng, nhiều cộng đồng vẫn nỗ lực tìm kiếm giải pháp bền vững, thích ứng với những thay đổi, đồng thời hướng tới sự phát triển theo hướng từ dưới lên.

ASEAN được dự đoán là một trong những khu vực kinh tế phát triển năng động nhất. Trong năm 2015, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình khu vực hóa, nhằm thúc đẩy sự kết nối và hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực, với hy vọng đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế. Cơ chế AEC được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực. Tại Hạ lưu vực Mê Kông, thương mại và đầu tư trong lưu vực giữa Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã gia tăng trong những năm gần đây. Với nền kinh tế phát triển hơn, Thái Lan và Việt Nam đã trở thành các nhà đầu tư quan trọng trong khu vực. Trong các khoản đầu tư của Việt Nam, nông lâm nghiệp luôn đứng ở vị trí thứ hai trong cơ cấu nguồn đầu tư nước ngoài, đứng thứ ba về nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như đầu tư trực tiếp trong nước tại Lào và Campuchia giai đoạn 2011-2015.

Trong quá trình hội nhập kinh tế và khu vực hóa, các chính phủ đưa ra nhiều sáng kiến song phương và đa phương trong khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, những dự án liên chính phủ này thường thiếu sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, chưa thực sự tiếp cận mục tiêu “lấy con người làm trung tâm”, một trong những phương châm của ASEAN. Không gian dành cho sự tham gia có ý nghĩa của các tổ chức xã hội và các cộng đồng địa phương trong những quy trình này vẫn còn hạn chế.

Trong khi các chính phủ hướng tới việc thay đổi cấu trúc kinh tế, tập trung cao cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khu vực. Không chỉ thích nghi trước những thách thức từ bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, hai ngành kinh tế này còn giúp đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho phần lớn dân số, bao gồm những cộng đồng nghèo, thuộc vùng sâu vùng xa dễ tổn thương nhất. Bất chấp những rào cản và thách thức kinh tế xã hội, ngày càng có nhiều nỗ lực từ chính những cộng đồng và các tổ chức xã hội ở cấp địa phương hướng đến thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng thời tăng cường sự thích nghi trước những thay đổi và biến động trong những ngành kinh tế trên. Một số kinh nghiệm thành công cũng đã được đưa vào chính sách địa phương và quốc gia.

Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông lần II mong muốn kết nối các ý tưởng và nỗ lực của cộng đồng cùng các tổ chức xã hội trong khu vực Hạ Mê Kông nhằm thúc đẩy sự thích nghi của ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, cũng như giảm thiểu các tác động bất lợi từ các dự án phát triển lên tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng tiếp tục thảo luận về tư duy lại định hướng phát triển từ cộng đồng đi lên, vì sự thịnh vượng, hòa bình, lấy con người làm trung tâm, công bằng và không gây tác động tiêu cực.

Một số hình ảnh tại diễn đàn:

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, phát biểu khai mạc Diễn đàn
Toàn cảnh phiên toàn thể Diễn đàn
Ông Bùi Tường Lân, Phó Chủ tịch Thường trực Vilacaed cùng đại diện của PanNature và ADDA điều hành Phiên toàn thể
Ông Nguyễn Thế Hiển, Chánh văn phòng Hội VILACEAD và ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc PanNature điều hành Phiên thảo luận về Lâm nghiệp

TÀI LIỆU

Chương trình Diễn đàn

Bối cảnh ngành nông, lâm nghiệp tại khu vực Mê Kông: Góc nhìn từ địa phương

Kinh doanh nông nghiệp và dòng đầu tư ở Hạ Mê Kông
Chrek Sophea, Tổ chức Focus on the Global South

Nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu: Áp dụng và bài học thực tiễn
Marianne Norgaard Jensby, ADDA Denmark

Cách tiếp cận của Chương trình UN-REDD trong thúc đẩy hợp tác tiểu vùng nhằm giải quyết vấn đề mất rừng liên biên giới
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chương trình UN-REDD

Tài nguyên nước cho phát triển và các mâu thuẫn đa lĩnh vực: Trường hợp nghiên cứu ở ĐBCSL
Ts. Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ

Đánh giá các khu bảo tồn cá ở Lào
Mr. Sinsamout Ounboundisane, FishBio (Lao PDR)

Rừng Lâm nghiệpDuy trì các hệ sinh thái nguồn tài nguyên phục vụ sinh kế
Mr Ouk Vannara, Phó Giám đốc điều hành Diễn đàn Các Tổ chức phi Chính phủ Campuchia

Thiết lập rừng có khả năng cung cấp dịch vụ thủy văn: Một số dẫn liệu ở Việt Nam
Ts. Phạm Văn Điển, Trường Đại học Lâm nghiệp

Thích ứng: Cách tiếp cận từ cộng đồng

Phiên I: Kết nối các sáng kiến nông nghiệp thích ứng và bền vững trong Khu vực Mê Kông

Nông nghiệp thông minh với khí hậu: Làm thế nào để nhân rộng từ các thực hành hiện có?
Ông Đỗ Trọng Hoàn, ICRAF

Kết nối các sáng kiến nông nghiệp thích ứng và bền vững tại Lào
Bà Hongnapha Phommabouth, Green Community Development Association

Tổ chức CAD và các hoạt động về nông nghiệp ở Myanmar
Bà Helen Naw Naw Shio, Community Agency for Rural Development

Thúc đẩy lồng ghép ứng phó với BĐKH của nông nghiệp trong lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp địa phương tại Tây Bắc Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, PanNature

Phiên II: Rừng và Lâm nghiệp – Duy trì hệ sinh thái và các nguồn sinh kế

Kinh nghiệm phát triển rừng trồng bền vững ở Việt Nam
TS. Trần Kim Hào, Viện Phát triển Nông thôn và Cộng đồng

Lâm nghiệp và phát triển sinh kế
Ông Tem Ven, Ponlok Khmer

FREDA và các hoạt động về lâm nghiệp ở Myanmar
Bà Tin Tin Ohn, FREDA

Sức khỏe của hệ sinh thái có quyết định nguồn thu nhập của các cộng đồng sống dựa vào rừng?
Ông Keo Tai, NTFP-EP Cambodia Program

Tác động của các dự án phát triển lớn và giảm thiểu tác động

Phát triển quy mô lớn: Trường hợp mía đường ở Cambodia
Ông Eang Vuthy, Equitable Cambodia

Tác động lên tài nguyên thiên nhiên và sinh kế của các hộ nông dân sản xuất nhỏ
Ông Sinthavong PHUANGCHAMPA, Global Association for People and the Environment (GAPE)

Nhìn ra ngoài khuôn khổ: REDD, FLEGT và PES có thể đem lại gì cho cộng đồng?
Ts. Phạm Thu Thủy, CIFOR

Kinh doanh có trách nhiệm: Các hướng dẫn tự nguyện, luật pháp và sự tham gia của doanh nghiệp
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, PanNature

Hướng đến một cơ chế khoán đất tốt hơn vì sự phát triển bền vững và toàn diện
Bà Tạ Thu Trang, Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và PTNT

Mô hình thoát nghèo bền vững: Phân bổ cơ cấu sử dụng đất và cây trồng tại Tây Nguyên
Ông Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển bền vững Việt Nam – ASEAN

Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông là sáng kiến thúc đẩy đối thoại giữa các tổ chức thuộc các quốc gia trong khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Diễn đàn này bao gồm nhiều hoạt động đối thoại, trao đổi, hợp tác trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các bên và tăng cường hiểu biết khoa học về các vấn đề liên quan đến tài nguyên thiên nhiên. Diễn đàn đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2011 tại Hà Nội. Diễn đàn thứ hai được tổ chức vào tháng 5/2013 tại Tam Đảo.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia